Cảm xúc mùa thu (Thu hứng)
I. Tiểu dẫn
- Đỗ phủ (712 – 770), tự là Tử Mĩ, quê ở huyện Củng, tỉnh Hà Nam. Ông là nhà thơ hiện thực vĩ đại của Trung Quốc và là danh nhân văn hóa thế giới.
- Nhà thơ để lại khoảng 1.500 bài thơ với nội dung phong phú, sâu sắc như những bức tranh hiện thực sinh động. Đỗ Phủ được người dân Trung Quốc mệnh danh là “Thi thánh”.
- Bài thơ Cảm xúc mùa thu (Thu hứng) miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa thu hùng vĩ mà hiu hắt, sôi động mà nhạt nhòa trong sương khói, đồng thời thể hiện tâm trạng buồn nhớ quê hương.
II. Văn bản (SGK)
1. Bố cục và nội dung bài thơ:
- Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú, có bố cục bốn câu trên và bốn câu dưới:
+ Bốn câu trên là bức tranh thiên nhiên hiu hắt, sôi động mà nhạt nhòa trong sương khói mùa thu.
+ Bốn câu dưới là nỗi buồn thương nhớ quê hương.
2. Nhận xét sự thay đổi của tầm nhìn từ bốn câu đầu đến bốn câu sau. Vì sao có sự thay đổi ấy?
- Bài thơ có sự thay đổi tầm nhìn từ cao xuống thấp, từ xa đến gần, phù hợp với mạch cảm xúc:
+ Bốn câu đầu là bức tranh thiên nhiên với các hình ảnh: Sương, núi, gió thu, dòng sông, những đám mây in hình dưới mặt đất.
+ Ở bốn câu thơ sau, mặc dù vẫn xuất hiện các hình ảnh thiên nhiên như: Khóm trúc, con thuyền... nhưng đó chỉ là cái cớ để thể hiện cảm xúc, nội tâm của tác giả (nỗi buồn, nhớ quê hương).
- Nỗi buồn được hiện qua hình ảnh "Tiếng chày đập áo". Sự thay đổi của tầm nhìn là dụng ý của tác giả trong việc thể hiện cảm xúc vận động từ "cảnh" đến "tình".
3. Mối quan hệ giữa bốn câu thơ đầu và bốn câu thơ sau, giữa toàn bài với nhan đề Thu hứng.
- Mối quan hệ giữa bốn câu đầu và bốn câu sau là mối quan hệ giữa "cảnh" và "tình". Qua thiên nhiên và tâm trạng nhà thơ, mỗi quan hệ ấy phù hợp với tên của bài thơ Thu hứng. Mùa thu chỉ là yếu tố gợi lên những cảm xúc để nhà thơ gửi gắm nỗi thương nhớ quê hương ở nơi đất khách quê người trong thời loạn lạc.
- Sự vận động từ "cảnh" đến "tình" hoàn toàn hợp lí nhưng vẫn hết sức bất ngờ.
- Tính nhất quán trong mối quan hệ giữa toàn bài thơ và tiêu đề Thu hứng còn thể hiện ở mỗi câu thơ đều có cảm xúc và chất thu:
Câu 1: Cảm xúc và chất thu thể hiện ở sương thu và rừng phong lá đỏ.
Câu 2: Cảm xúc và chất thu thể hiện ở hơi thu (gió thu) hiu hắt.
Hai câu 2 và 4: Vị trí của Vu Sơn, Vu Giáp thuộc tỉnh Tứ Xuyên, sông Trường Giang hẹp chảy xiết, hai bên bờ vách dựng đứng, mùa thu âm u mù mịt.
Câu 5: Khóm cúc nở, đặc trưng cho mùa thu.
Câu 6: Mùa thu ấy gia đình Đỗ Phủ phải chạy loạn.
Câu 7: Mùa thu lạnh giục giã mọi người rủ nhau may áo rét.
Câu 8: Thành Bạch Đế Cao thuộc tỉnh Tứ Xuyên, mùa thu thường có mây bao phủ, có thể nghe tiếng chày nện vào áo rét.