Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Sa hành đoản ca)

I. Tiểu dẫn

- Cao Bá Quát (1808 - 1855) tự Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, Mẫn Hiên; quê ở Phú Thị, Gia Lâm, Bắc Ninh (nay thuộc Long Biên, Hà Nội); đương thời, ông được tôn là Thánh Quát.

- Bài ca ngắn đi trên bãi cát được viết theo thể hành (ca hành) là thể thơ cổ, có tính chất tự do, phóng khoáng, không bị gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu.

II. Văn bản (SGK)

1. Hình ảnh người đi trên bãi cát

- Bài thơ được viết trong những lần tác giả vào Huế thi Hội, từ Thăng Long vào Huế qua nhiều tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị là vùng có nhiều dải cát trắng mênh mông.

- Những hình ảnh này không chỉ tả thực, mà còn mang sức khái quát cao. Mượn hình ảnh con người bị sa lầy trong những bãi cát dài, Cao Bá Quát muốn phê phán sự trì trệ, nặng nề trong kiểu giáo dục hiện thời. Bài thơ hé mở những cảm nhận của Cao Bá Quát về sự cần thiết của việc đổi mới giáo dục qua cái nhìn chán ghét lối học cũ, học chỉ để mưu cầu danh lợi.

2. Sự liên kết ý nghĩa của sáu câu thơ

“Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?”.

- Các câu thơ có vẻ rời rạc không gắn bó với nhau nhưng thực chất là một liên kết logic, chặt chẽ. Danh lợi (việc học hành, thi cử để đạt tới một vị trí trong chốn quan trường) đã xâu chuỗi toàn bộ đoạn thơ. Hai câu thơ "Không học được tiên ông phép ngủ, Trèo non, lội suối, giận khôn vơi" thể hiện nỗi chán nản của nhà thơ vì tự hành hạ để theo đuổi công danh.

- Bốn câu thơ còn lại nói về sự cám dỗ của chuyện công danh đối với người đời. Nhận định mang tính khái quát về những kẻ ham danh lợi đều phải chạy ngược chạy xuôi nhọc nhằn, vất vả được minh họa bằng hình ảnh người đời thấy ở đâu có quán rượu ngon đều đổ xô đến, mấy ai tỉnh táo thoát ra khỏi sự cám dỗ của rượu. Danh lợi cũng là một thứ dễ làm người say.

3. Tâm trạng của lữ khách khi đi trên bãi cát

- Tâm trạng của tác giả khi đi trên bãi cát là tâm trạng chán nản, mệt mỏi rã rời. Tầm tư tưởng cao rộng của nhà thơ là nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, của con đường công danh theo lối cũ. Từ chuyện đi trên cát mà liên tưởng đến chuyện lợi danh, đến chốn quan trường là một sự liên tưởns sáng tạo mà lôgic.

Người đi trên cát sa lầy vào trong cát chẳng khác nào cái mồi công danh, bổng lộc lôi kéo con người, làm cho con người mê muội.

4. Ý nghĩa của nhịp điệu bài thơ

- Bài ca ngắn đi trên bãi cát thuộc thể loại thơ cổ, tự do về kết cấu, về vần và nhịp điệu. Nhịp điệu của bài thơ được tạo nên chủ yếu nhờ sự thay đổi độ dài của các câu thơ cũng như sự khác nhau trong cách ngắt nhịp của mỗi câu thơ, đem lại khả năng diễn đạt phong phú. Có từng cặp đối xứng với số lượng chữ không đều nhau: 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ. Cách ngắt nhịp khá linh hoạt, khi thì là nhịp 2/3 (Trường sa/phục trường sa), khi là 3/5 (Quân bất học/tiên gia mĩ thuỵ ông), khi lại là 4/3 (Phong tiền tửu điểm/hữu mĩ tửu). Câu cuối cùng (Quân hồ vi hồ sa thượng lập?) không có cặp đối, như một câu hỏi đầy ám ảnh.

- Nhịp điệu diễn đạt sự gập ghềnh, trúc trắc của những bước di trên bãi cát dài, tượng trưng cho con đường công danh.