Bài 9. Trung Quốc từ thời cổ đại đến thế kỉ VII

Hình thành từ thiên niên kỉ III TCN, Trung Quốc là một trong những nền văn minh sớm nhất của nhân loại. Từ những nhà nước đầu tiên ra đời ở trung lưu Hoàng Hà, qua các cuộc chiến tranh, lãnh thổ Trung Quốc dần được thống nhất và mở rộng. Cùng với quá trình đó, văn hóa Trung Quốc cũng phát triển mạnh mẽ, nhiều thành tựu vẫn có ảnh hưởng nhất định đến ngày nay.

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

- Vùng cư trú chủ yếu của cư dân Trung Quốc thời cổ đại.

Thời cổ đại, lãnh thổ Trung Quốc nhỏ hơn ngày nay rất nhiều. Cư dân cư trú chủ yếu ở trung và hạ lưu Hoàng Hà. Về sau, họ mở rộng dần địa bàn cư trú xuống lưu vực Trường Giang.

- Hoàng Hà và Trường Giang đã tác động như thế nào đến cuộc sống của cư dân Trung Quốc thời cổ đại?

+ Hoàng Hà là con sông lớn thứ hai ở Trung Quốc. Mặc dù thường xuyên gây ra lũ lụt nhưng phù sa màu mỡ của nó đã tạo nên một vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu, thuận lợi cho việc trồng trọt khi công cụ sản xuất còn tương đối thô sơ. Chính vì vậy, nơi đây đã trở thành cái nôi của nền văn minh Trung Quốc.

+ Xuôi về phía nam, vùng đồng bằng rộng lớn ở lưu vực Trường Giang đất đai phì nhiêu, khí hậu ấm áp, thuận lợi cho nhiều loại cầy trồng phát triển.

+ Trên vùng đất màu mỡ của hai con sông, những nhà nước cổ đại đầu tiên của Trung Quốc đã ra đời.

II. QUÁ TRÌNH THỐNG NHẤT VÀ XÁC LẬP CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN DƯỚI THỜI TẦN THỦY HOÀNG

- Quá trình thống nhất Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng.

+ Thời cổ đại ở Trung Quốc kéo dài khoảng 2000 năm, gắn liền với ba triều đại kế tiếp nhau là nhà Hạ, nhà Thương và nhà Chu.

+ Trên Lưu vực Hoàng Hà, Trường Giang khi đó tồn tại hàng trăm tiểu quốc. Giữa các nước thường xuyên xảy ra chiến tranh nhằm thôn tính lẫn nhau.

+ Cuối thời nhà Chu, nước Tần dần mạnh lên. Tần Doanh Chính đã lần lượt đánh chiếm các nước, thống nhất Trung Quốc.

- Tần Thủy Hoàng đã làm những gì để thống nhất đất nước?

+ Năm 221 TCN, Doanh Chính lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Tần Thủy Hoàng. Ông đã thực hiện nhiều chính sách, đặt nền móng cho sự thống nhất và phát triển lâu dài của Trung Quốc về sau.

+ Để thống nhất toàn diện Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã thực thi nhiều chính sách như: Thống nhất lãnh thổ, thống nhất hệ thống đo lường, thống nhất tiền tệ, thống nhất chữ viết.

- Các giai cấp mới xuất hiện ở Trung Quốc và mối quan hệ giữa các giai cấp đó.

+ Do sự phát triển của sản xuất, xã hội trung Quốc cũng phân hóa sâu sắc. Các giai cấp mới xuất hiện như địa chủ, nông dân lĩnh canh (tá điền). Quan hệ bóc lột giữa địa chủ với nông dân bằng địa tô ngày càng chiếm địa vị thống trị. Chế độ phong kiến chính thức được xác lập ở Trung Quốc.

+ Sau 15 năm tồn tại (từ 221 TCN – 206 TCN), nhà Tần sụp đổ.

III. TỪ NHÀ HÁN, NAM – BẮC TRIỀU ĐẾN NHÀ TÙY

- Kế tiếp nhà Tần, nhà Hán (206 TCN - 220) đã cai trị hơn bốn thế kỉ và được coi là một trong những triều đại phát triển rực rỡ ở Trung Quốc.

- Sau khi nhà Hán sụp đổ, Trung Quốc bước vào thời kì loạn lạc, thống nhất xen kẽ (Tam quốc, nhà Tấn, Nam – Bắc triều) chia rẽ. Đến cuối thế kỉ VI, nhà Tùy tái thống nhất đất nước, đặc cơ sở để Trung Quốc bước vào giai đoạn đỉnh cao của chế độ phong kiến.

IV. THÀNH TỰU TIÊU BIỂU CỦA NỀN VĂN MINH TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI

- Thời cổ đại, ở Trung Quốc xuất hiện nhiều trường phái tư tưởng khác nhau, trong đó nổi bật là Nho gia với đại diện tiêu biểu là khổng Tử. Nho gia nhấn mạnh tôn ti trật tự, nhất là bổn phận phục tùng tuyệt đối của kẻ dưới với bề trên.

- Từ thời nhà Thương, người Trung Quốc đã có chữ viết, đó là chữ tượng hình. Chữ được khắc trên mai rùa, xương thú (giáp cốt), sau khắc trên chuông, đỉnh đồng (kim văn) và phổ biến là viết trên thẻ tre, trúc.

- Tác phẩm văn học cổ nhất của Trung Quốc là Kinh Thi, gồm nhiều sáng tác dân gian, được Khổng Tử sưu tập và chỉnh lí. Bộ Sử kí của Tư Mã Thiên được xem là công trình sử học đồ sộ trong thời cổ đại.

- Lĩnh vực y học cũng sớm phát triển với nhiều cách chữa bệnh hiệu quả bằng thảo dược, bấm huyệt, châm cứu…

- Trung Quốc cổ đại còn nhiều phát minh về kĩ thuật. Nhiều trong số đó vẫn là nền tảng của những phát minh về kĩ thuật sau này như thiết bị đo động đất (động nghi), kĩ thuật dệt tơ lụa, đặc biệt là kĩ thuật làm giấy. Sau khi nghề làm giấy được phổ biến rộng rãi, các chất liệu dùng để viết trước đó như thẻ tre, trúc, giấy pa-pi-rút, da cừu, lá cây… đều được thay thế bằng giấy.

- Các triều đại từ nhà Tần đến nhà Tùy còn xây dựng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, các cung điện, chùa, tháp, lăng tẩm nguy nga lộng lẫy, trong đó tiêu biểu là Vạn Lý Trường Thành.

LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG

Luyện tập

1. Tại sao Hoàng Hà được gọi là “sông Mẹ” của Trung Quốc? Hãy kể tên "sông Mẹ" của Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ.

- Hoàng Hà được gọi là “sông Mẹ” của Trung Quốc vì phù sa màu mỡ của nó đã tạo nên vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu, tạo sự thuận lợi cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Lưu vực Hoàng Hà còn là cái nôi của văn minh Trung Quốc.

- “Sông Mẹ” của Ai Cập (sông Nin), Lưỡng Hà (sông Ơ-phơ-rát và Ti-gơ-rơ), Ấn Độ (sông Ấn và sông Hằng).

2. Vai trò của nhà Tần đối với Lịch sử Trung Quốc.

Nhà Tần đã thống nhất lãnh thổ Trung Quốc, chấm dứt tình trạng chiến tranh liên miên giữa các tiểu quốc, thực thi nhiều chính sánh, đặt nền móng cho sự thống nhất và phát triển lâu dài của Trung Quốc.

Vận dụng

3. Việc phát minh ra kĩ thuật làm giấy có vai trò gì đối với sự phát triển của xã hội hiện nay?

- Giấy đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội vì có rất nhiều công dụng: Giấy dùng để viết, in ấn, giấy vệ sinh, giấy ăn, giấy dán tường, túi giấy…

- Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nhiều vật dụng hàng ngày đã được chế tạo từ giấy để thay thế như ống hút, cốc, hộp, chén, đĩa, tô… Giấy là vật liệu không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.