Bài 8: Sự đa dạng của các thể cơ bản của chất. Tính chất của chất
1. SỰ ĐA DẠNG CỦA CHẤT
$\bullet \,\,$ Sự đa dạng của chất
- Những gì tồn tại xung quanh ta gọi là vật thể.
- Mỗi vật thể được tạo nên từ 1 hay nhiều chất.
Ví dụ: Cái ly được tạo nên từ 1 chất là thủy tinh; Bút chì được tạo nên bởi 2 chất là gỗ và than chì.
- Mỗi chất có thể tạo nên nhiều vật thể.
Ví dụ: 1 chất là nhựa có thể tạo ra cái quạt, cái cốc, cái ghế,…
$\bullet \,\,$ Khái niệm
- Vật thể tự nhiên là những vật thể có sẵn trong tự nhiên.
Ví dụ: cây cỏ, con mèo, nước,…
- Vật thể nhân tạo là những vật thể do con người tạo ra để phục vụ cuộc sống.
Ví dụ: cái bàn, cái cốc, ngôi nhà,…
- Vật hữu sinh (vật sống) là vật thể có các đặc trưng sống.
Ví dụ: cái cây, con người, con hổ,…
- Vật vô sinh (vật không sống) là vật thể không có các đặc trưng sống.
Ví dụ: quyển sách, cái giường, con dao,…
2. CÁC THỂ CƠ BẢN CỦA CHẤT
- Chất tồn tại ở 3 thể (trạng thái) cơ bản: rắn, lỏng và khí (hơi).
- Đặc điểm cơ bản 3 thể của chất:
Thể | Độ liên kết các hạt | Độ xác định của hình dạng và thể tích | Khả năng bị nén |
Rắn | Các hạt liên kết chặt chẽ | Có hình dạng và thể tích xác định | Rất khó bị nén |
Lỏng | Các hạt liên kết không chặt chẽ | Có hình dạng không xác định, có thể tích xác định | Khó bị nén |
Khí/ Hơi | Các hạt chuyển động tự do | Có hình dạng và thể tích không xác định | Dễ bị nén |
3. TÍNH CHẤT CỦA CHẤT
- Mỗi chất đều có những đặc điểm khác nhau về thể, màu sắc, mùi, vị… và những tính chất khác.
$\bullet \,\,$ Tính chất vật lí: không có sự tạo thành chất mới
+ Thể (rắn, lỏng, khí).
+ Màu sắc, mùi, vị, hình dạng, kích thước, khối lượng riêng.
+ Tính tan trong nước hoặc chất lỏng khác.
+ Tính nóng chảy, sôi của một chất.
+ Tính dẫn nhiệt, dẫn điện.
Ví dụ: Nước là chất lỏng, không mùi, không vị, sôi ở nhiệt độ $100^{o}C$
$\bullet \,\,$ Tính chất hóa học: có sự tạo thành chất mới
+ Chất bị phân hủy
+ Chất bị đốt cháy
Ví dụ: Than đá là chất rắn màu đen, khi cháy tạo ra chất mới là khí cacbon đioxit.
4. SỰ CHUYỂN THỂ CỦA CHẤT
- Trong tự nhiên và trong các hoạt động của con người, các chất có thể chuyển từ thể này sang thể khác.
$\bullet \,\,$ Sự nóng chảy: là quá trình chuyển từ thể rắn sang thể lỏng của chất.
Ví dụ: Khi bỏ viên đá ra khỏi tủ lạnh, viên đá tan ra, nước đã chuyển từ thể rắn sang thể lỏng $\longrightarrow$ đó là sự nóng chảy.
$\longrightarrow$ Lưu ý: Quá trình này xảy ra ở một nhiệt độ xác định gọi là nhiệt độ nóng chảy hay điểm nóng chảy.
$\bullet \,\,$ Sự đông đặc: là quá trình chuyển từ thể lỏng sang thể rắn của chất.
Ví dụ: Khi cho cốc nước vào ngăn đá của tủ lạnh, nước trong cốc chuyển thành đá, nước đã từ thể lỏng chuyển sang thể rắn $\longrightarrow$ đó là sự đông đặc
$\longrightarrow$ Lưu ý: Quá trình này xảy ra ở một nhiệt độ xác định gọi là nhiệt độ đông đặc hay điểm đông đặc.
$\bullet \,\,$ Sự bay hơi: là quá trình chuyển từ thể lỏng sang thể hơi của chất.
Ví dụ: Sau cơn mưa, vũng nước trên đường sẽ dần biến mất vì do một phần nước đã chuyển thành hơi nước.
$\bullet \,\,$ Sự sôi: là quá trình bay hơi xảy ra trong lòng và cả trên bề mặt thoáng của chất lỏng. Sự sôi là trường hợp đặc biệt của sự bay hơi.
Ví dụ: Khi đun nước xuất hiện bọt khí ở dưới đáy nồi. Đến một nhiệt độ nhất định, bọt khí đi lên mặt thoáng và vỡ ra. Đó là sự bay hơi trong lòng chất lỏng.
$\bullet \,\,$ Sự ngưng tụ: là quá trình chuyển từ thể khí (hơi) sang thể lỏng của chất.
Ví dụ: Hơi nước bay lên ngưng tụ tạo thành mây (là do các hạt nước li ti tạo thành).
$\longrightarrow$ Lưu ý: Sự ngưng tụ và sự bay hơi xảy ra tại mọi nhiệt độ; còn sự sôi chỉ xảy ra ở nhiệt độ sôi.