Bài 6. Nước Mĩ

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mĩ bước vào giai đoạn phát triển mới với tiềm lực kinh tế - tài chính to lớn và lực lượng quân sự mạnh mẽ. Các giới cầm quyền Mĩ theo đuổi mưu đồ thống trị thế giới và nô dịch các quốc gia.

I. Nước Mĩ từ năm 1945 – 1973

- Hai thập kỷ sau chiến tranh, nước Mĩ đã trở thành trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới, đứng đầu phe TBCN. Lãnh thổ Mĩ rộng lớn, tài nguyên phong phú cộng với nguồn nhân lực dồi dào, trình độ kĩ thuật cao, năng động, sáng tạo. Mĩ là nước thu lợi nhuận lớn từ buôn bán vũ khí và phương tiện chiến tranh. Mĩ cũng là quốc gia khởi đầu các cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại và đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, điều chỉnh hợp lí cơ cấu sản xuất.

- Với tiềm lực kinh tế, tài chính và quân sự, Mĩ đã triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ, thống trị thế giới. Tháng 2/1972, tổng thống Níchxơn sang thăm Trung Quốc và đến năm 1979, 2 quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tháng 5/1972, Níchxơn sang Liên Xô để thực hiện sách lược hòa hoãn với những nước lớn để chống lại phong trào đấu tranh cách mạng của các dân tộc.

II. Nước Mĩ từ năm 1974 – 1991

Năm 1973, cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới đã tác động vào nền kinh tế Mĩ khiến Mĩ lâm vào khủng hoảng và suy thoái kéo dài trong thời gian 1 thập kỷ.

Năm 1983, kinh tế Mĩ phục hồi và phát triển, trở lại vị trí hàng đầu thế giới nhưng tỉ trọng trong nền kinh tế thế giới giảm sút so với trước.

Sau thất bại trong chiến tranh Việt Nam, Mĩ phải kí Hiệp định Pari (1973) và rút quân về nước nhưng Mĩ vẫn triển khai chiến lược toàn cầu và chạy đua vũ trang.

Tháng 12/1989, Mĩ và Liên Xô tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh nhưng vẫn không ngừng tác động vào cuộc khủng hoảng của các nước XHCN ở châu Âu.

III. Nước Mĩ từ năm 1991 – 2000

Trong thập kỷ 90, tuy có những đợt suy thoái ngắn nhưng kinh tế Mĩ vẫn đứng đầu thế giới, khoa học – kĩ thuật vẫn phát triển mạnh mẽ.

Chính phủ Mĩ đeo đuổi chiến lược cam kết và mở rộng nhưng vẫn tìm cách vươn lên chi phối, lãnh đạo thế giới với mục tiêu thiết lập một trật tự thế giới đơn cực.

Tuy nhiên đây là giai đoạn quan hệ giữa Việt Nam và Mĩ được cải thiện, chuyển sang hữu nghị và hợp tác, ngày 11/7/1995, Mĩ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đến tháng 11/2000, Tổng thống Clintơn đến Hà Nội, đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Mĩ.