Bài 6: Hướng dẫn tham gia cuộc thi vẽ
Khởi động
Hỏi – đáp về một sản phẩm mĩ thuật của bạn mà em thích.
- Em có thể hỏi bạn về nội dung của bức vẽ em thích nhất.
- Bạn có thể hỏi em lí do vì sao thích sản phẩm đó.
- Em trả lời lí do và hỏi bạn thích nhất sản phẩm nào, vì sao.
Khám phá và luyện tập
1. Cuộc thi vẽ "Thế giới trong tương lai" dành cho đối tượng nào?
Đối tượng tham dự là các bạn học sinh tiểu học trên toàn quốc.
2. Thí sinh tham gia cuộc thi cần thực hiện mấy bước? Đó là những bước nào?
Thí sinh tham gia cuộc thi cần thực hiện 4 bước sau:
– Bước 1: Tưởng tượng và vẽ tranh với chủ đề "Thế giới trong tương lai" vào giấy khổ A3.
– Bước 2: Viết thông điệp hay một đoạn giới thiệu cho bức tranh.
– Bước 3: Điền thông tin vào mẫu đơn đăng kí và dán vào mặt sau của bức tranh.
– Bước 4: Gửi bài dự thi theo đường bưu điện về địa chỉ của Ban Tổ chức.
3. Thí sinh cần lưu ý những gì khi tham gia cuộc thi?
Tham gia cuộc thi, thí sinh cần lưu ý những điều sau:
– Chọn màu vẽ đậm, rực rỡ, sắc nét.
– Tô màu phủ kín bức tranh.
– Không giới hạn số bức tranh dự thi của mỗi thí sinh.
– Tham khảo thêm thông tin và sản phẩm của cuộc thi "Em vẽ trường học hạnh phúc năm 2020".
4. Theo em, vì sao thí sinh cần viết thông điệp hay một đoạn giới thiệu cho bức tranh của mình?
Thí sinh cần viết thông điệp hay một đoạn giới thiệu cho bức tranh của mình để người xem và ban giám khảo hiểu được ý nghĩa, nội dung bức vẽ của em.
5. Em có cảm nghĩ gì về cuộc thi vẽ "Thế giới trong tương lai"?
Cuộc thi vẽ "Thế giới trong tương lai" là hoạt động thiết thực, bổ ích, giúp học sinh có cơ hội thể hiện hiện năng khiếu vẽ tranh, tăng tính sáng tạo và nâng cao nhận thức về môi trường xung quanh.
Nói và nghe
Giới thiệu một sản phẩm em thực hiện ở trường dựa vào gợi ý:
1. Đó là sản phẩm gì?
Đó là bức tranh vẽ bằng sáp màu.
2. Em làm sản phẩm đó như thế nào?
Em sử dụng bút chì vẽ nét trên giấy trắng, sau đó dùng bút sáp tô màu.
3. Sản phẩm đó có đặc điểm gì nổi bật? (hình dáng, màu sắc, chất liệu)
Bức tranh hình chữ nhật; nhiều màu sắc rực rỡ như xanh, đỏ, vàng, hồng, xám, đen; bức tranh được vẽ trên giấy cứng bằng bút chì và tô sáp màu.
4. Suy nghĩ của em hoặc nhận xét của thầy cô, bạn bè... về sản phẩm.
Thầy dạy vẽ khen bức tranh của em rất sinh động, vui tươi, mang đến cho mọi người cảm xúc tích cực.
Viết
1. Đọc đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu:
Từ những dòng chữ đầu tiên của câu chuyện “Bên ngoài Trái Đất”, tôi đã bị cuốn vào chuyến hành trình kì thú ra ngoài vũ trụ. Lời kể thú vị khiến tôi có cảm giác như được cùng tác giả bay trên phi thuyền ra ngoài Trái Đất. Trong hành trình ấy, ngôi nhà chung của loài người hiện lên rõ nét qua những hình ảnh miêu tả vô cùng sống động. Màu lam biếc của nước biển, sắc xanh non của cây lá hoà quyện cùng màu trắng sữa của những dải mây gợi ra một thế giới kì ảo. Tôi vừa tưởng mình là một nhà thám hiểm khi được chiêm ngưỡng các hành tinh, vừa có cảm giác mình là một cậu bé đi lạc vào không gian cổ tích được nhuộm bởi muốn màu ánh sáng. Trái Đất sáng lóng lánh như một viên kim cương, Mặt Trời bừng sáng như hàng triệu ngọn nến đang thắp, sao chổi vụt sáng như một vệt pháo hoa. Tất cả đều đẹp đẽ, mới lạ. Những hình ảnh sinh động và những chi tiết hấp dẫn, đầy sáng tạo mà tác giả khéo léo gợi ra đã thoả mãn trí tò mò của một cậu bé thích khám phá như tôi. Tôi ước một lần được đặt chân lên phi thuyền, dù chỉ là trong mơ.
(Thanh Lâm)
a. Đoạn văn viết về điều gì?
Chọn đáp án đúng:
- Nêu nội dung câu chuyện.
- Nêu lí do thích một nhân vật.
- Nêu lí do thích câu chuyện.
- Nêu ý nghĩa câu chuyện.
Đáp án đúng: Nêu lí do thích câu chuyện.
b. Bạn nhỏ giới thiệu và khẳng định điều gì ở câu văn đầu tiên?
Ở câu văn đầu tiên, bạn nhỏ giới thiệu câu chuyện mình thích và khẳng định sức cuốn hút của câu chuyện “Bên ngoài Trái Đất”.
c. Ở các câu văn tiếp theo, bạn nhỏ nêu những lí do gì khiến mình thích câu chuyện?
- Lời kể thú vị.
- Hình ảnh miêu tả vô cùng sống động.
- Những chi tiết sáng tạo của tác giả.
d. Câu cuối đoạn văn nói về điều gì?
Câu cuối đoạn văn nói về ước mơ được đặt chân lên phi thuyền của bạn nhỏ.
Ghi nhớ: Đoạn văn nêu lí do thích một câu chuyện thường có:
1. Câu đầu tiên: Giới thiệu câu chuyện em thích hoặc ấn tượng đặc biệt về câu chuyện.
2. Các câu tiếp theo: Nêu những lí do cụ thể khiến em thích câu chuyện (nội dung, lời kể...).
3. Câu cuối: Nêu suy nghĩ hoặc mong muốn sau khi đọc câu chuyện.
2. Trao đổi với bạn về lí do em thích một câu chuyện cổ tích hoặc sự tích đã đọc, đã nghe dựa vào gợi ý:
- Giới thiệu câu chuyện.
+ Tên câu chuyện.
+ Cảm nhận chung.
- Nêu lí do thích câu chuyện: Viết những đặc điểm khiến em thích câu chuyện.
+ Lời kể sinh động: Cách dùng từ (từ gợi tả âm thanh, màu sắc), cách viết câu (câu hỏi, câu cảm…).
+ Nội dung câu chuyện hấp dẫn: Có yếu tố kì ảo, nói về ước mơ.
+ Tính cách của nhân vật thể hiện qua hành động, lời nói (hiếu thảo, trung thực, dũng cảm…).
+ Ý nghĩa câu chuyện.
- Suy nghĩ, cảm xúc: Xúc động, khâm phục…
Vận dụng
Nếu tham gia cuộc thi vẽ "Thế giới trong tương lai", em sẽ vẽ gì để thể hiện mong ước của mình? Vì sao.
Nếu tham gia cuộc thi vẽ "Thế giới trong tương lai" để thể hiện ước mơ của mình, em sẽ vẽ một khu rừng xanh mát với thật nhiều loài động vật cùng chung sống hòa bình.
Hiện nay, môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng nề vì những hoạt động sản xuất, đe dọa tới sự sống của muôn loài. Em muốn gửi lời nhắn tới tất cả mọi người, hãy chung tay bảo vệ môi trường sống của muôn loài, để trái đất mãi xanh như tên gọi của nó.