Bài 6: Đất và rừng
1. Các loại đất chính ở nước ta
- Nước ta có nhiều loại đất, chiếm diện tích lớn là đất phe-ra-lít ở vùng đồi núi và đất phù sa ở đồng bằng.
- Đặc điểm đất phe-ra-lít:
+ Phân bố ở vùng đồi núi.
+ Có màu đỏ hoặc đỏ vàng.
+ Thường nghèo mùn; nếu được hình thành trên đá ba dan thì tơi xốp và phì nhiêu.
- Đặc điểm đất phù sa:
+ Phân bố ở vùng đồng bằng.
+ Được hình thành do sông ngòi bồi đắp.
+ Đất phù sa rất màu mỡ.
- Đất là nguồn tài nguyên quý giá nhưng có hạn, việc sử dụng đất cần đi đôi với bảo vệ và cải tạo. Nếu chỉ sử dụng mà không cải tạo đất thì đất sẽ bị bạc màu, xói mòn, nhiễm phèn, nhiễm mặn,...
- Các biện pháp bảo vệ đất:
+ Bón phân hữu cơ, phân vi sinh trong trồng trọt.
+ Làm ruộng bậc thang ở các vùng đồi, núi để tránh đất bị xói mòn.
+ Thau chua, rửa mặn ở các vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.
+ Đóng cọc, đắp đê,... để giữ đất không bị sạt lở, xói mòn...
2. Rừng ở nước ta
- Nước ta có nhiều loại rừng, chiếm diện tích lớn là rừng rậm nhiệt đới và rừng ngập mặn.
- Đặc điểm rừng rậm nhiệt đới:
+ Phân bố chủ yếu trên vùng đồi núi: Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, vùng núi cao phía Bắc.
+ Rừng rậm nhiệt đới phát triển trong môi trường nóng ẩm, mưa nhiều.
+ Cây trong rừng nhiều tầng tán, đa dạng chủng loại…
- Đặc điểm rừng ngập mặn:
+ Phân bố chủ yếu ở những nơi đất thấp ven biển vùng đồng bằng Nam Bộ.
+ Rừng ngập mặn phát triển trong môi trường nước biển ngập chân.
+ Rừng có nhiều loại cây như đước, sú, vẹt,… Cây có bộ rễ chùm to khỏe, rậm rạp, có tác dụng nâng cây vượt khỏi mặt nước và giữ đất lại, làm cho đất liền ngày càng lấn rộng ra biển.
- Rừng có vai trò to lớn đối với sản xuất và đời sống của con người:
+ Rừng cung cấp nhiều sản vật, nhất là gỗ;
+ Rừng có tác dụng điều hòa khí hậu;
+ Rừng che phủ đất, giữ đất, chống xói mòn đất…
+ Rừng đầu nguồn giúp hạn chế nước mưa tràn về đồng bằng đột ngột gây lũ lụt,...
+ Rừng ven biển chắn bão, chống cát bay, bảo vệ đời sống người dân các vùng ven biển…
- Thực trạng rừng nước ta bị tàn phá nhiều. Nguyên nhân mất rừng do khai thác bừa bãi, đốt rừng làm rẫy, cháy rừng,...
- Tài nguyên rừng là có hạn, không được sử dụng và khai thác rừng bừa bãi, vì sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng. Việc khai thác rừng bừa bãi ảnh hưởng xấu đến môi trường, biến đổi khí hậu, tăng lũ lụt, bão...
- Để bảo vệ rừng, Nhà nước và mỗi người dân cần:
+ Nhà nước cần phổ biến luật bảo vệ rừng, có chính sách phát triển kinh tế cho nhân dân vùng núi, tuyên truyền và hỗ trợ nhân dân trồng rừng.
+ Nhân dân cần tự giác bảo vệ rừng, từ bỏ các biện pháp canh tác lạc hậu như phá rừng làm nương rẫy...