Bài 58. Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên
I. CÁC DẠNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN CHỦ YẾU
- Tài nguyên không tái sinh là dạng tài nguyên sau một thời gian sử dụng sẽ bị cạn kiệt. Ví dụ như than đá, dầu lửa,...
- Tài nguyên tái sinh là dạng tài nguyên khi sử dụng hợp lí sẽ có điều kiện phát triển, phục hồi. Ví dụ như tài nguyên sinh vật, đất, nước...
- Tài nguyên năng lượng vĩnh cửu như năng lượng mặt trời, gió, sóng, thủy triều... là những nguồn năng lượng sạch, được nghiên cứu sử dụng ngày một nhiều, thay thế dần các dạng năng lượng đang bị cạn kiệt và hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường.
II. SỬ DỤNG HỢP LÍ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Sử dụng hợp lí tài nguyên đất
- Đất là môi trường để trồng trọt, sản xuất lương thực nuôi sống con người, nơi xây nhà ở, xây dựng khu công nghiệp, đường giao thông...
- Sử dụng hợp lí tài nguyên đất là làm cho đất không bị thoái hóa.
- Thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất.
2. Sử dụng hợp lí tài nguyên nước
- Nước là nhu cầu không thể thiếu của mọi sinh vật trên trái đất.
- Nước quyết định chất lượng môi trường sống của con người.
- Sử dụng hợp lí tài nguyên nước là không làm ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước.
3. Sử dụng hợp lí tài nguyên rừng
- Rừng là ngôi nhà chung cho các loài động vật và vi sinh vật, góp phần quan trọng trong việc cân bằng sinh thái của trái đất.
- Sử dụng hợp lí tài nguyên rừng là kết quả giữa khai thác có mức độ và bảo vệ, trồng rừng, thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, các vườn quốc gia.
$\Longrightarrow$ Tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận, chúng ta cần phải sử dụng một cách tiết kiệm và hợp lí, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng tài nguyên của xã hội hiện đại, vừa bảo đảm duy trì lâu dài các nguồn tài nguyên cho các thế hệ sau.
$\Longrightarrow$ Bảo vệ rừng và cây xanh trên mặt đất có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đất, nước và các tài nguyên sinh vật khác.