Bài 5: VB 1: Chúng ta có thể đọc nhanh hơn

* Văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hay luật lệ

- Giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động là một trong các kiểu văn bản thông tin. Trò chơi được giới thiệu có thể là trò chơi truyền thống hay trò chơi hiện đại. Hoạt động được giới thiệu có thể là hoạt động trong sinh hoạt, học tập hay lao động.

- Nhằm giúp cho người đọc hiểu được mục đích ý nghĩa, quy cách thực hiện, kiểu văn bản này thường phải có bố cục rõ ràng, các đề mục kết hợp hiệu quả phương tiện ngôn ngữ với phương tiện phi ngôn ngữ.

- Thông tin cơ bản là thông tin chính, quan trọng, toát ra từ toàn bộ văn bản.

- Chi tiết trong văn bản thông tin là đơn vị nhỏ làm cơ sở và góp phần làm sáng tỏ thông tin chính. Trong văn bản thông tin, thông tin cơ bản thường được tóm lược khái quát trong nhan đề, sa-pô. Thông tin chi tiết thường được triển khai qua các đề mục, tiểu mục hoặc các phần, các đoạn trong văn bản, bao gồm cả chi tiết biểu đặc bằng ngôn ngữ lần phi ngôn ngữ (số liệu sơ đồ, hình ảnh, bảng biểu…) Khái niệm “chi tiết” được hiểu linh hoạt theo nhiều cấp độ. Có thể sơ đồ hóa cấp độ như sau:

(Thông tin cơ bản ⟹ Thông tin chi tiết bậc 1 ⟹ Thông tin chi tiết bậc 2 ⟹ v. v.)

- Cước chú là lời giải thích liên quan đến từ ngữ, chi tiết, nguồn trích dẫn… được dùng trong từng trang văn bản, đặt ở chân trang. Ví dụ: chú thích 1, tr. 101, giúp phân biệt “đọc bằng mắt” với “đọc thầm”.

- Tài liệu tham khảo là danh mục các tài liệu (sách, công trình, bài báo…) được tác giả văn bản trích dẫn, tham khảo và được trình bày theo một quy cách nhất định.

* Thuật ngữ, đặc điểm và chức năng

- Thuật ngữ là từ, ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ, thường được dùng trong các văn bản thông tin thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và văn bản nghị luận.

- Đặc điểm của thuật ngữ: Thuật ngữ có hai đặc điểm chính. Thứ nhất, trong một lĩnh vực khoa học, công nghệ, mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm và ngược lại, mỗi khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ. Thứ hai, thuật ngữ không có tính biểu cảm. Ví dụ: Muối là một thuật ngữ Khoa học Tự nhiên, không có sắc thái biểu cảm: “Muối là một hợp chất mà phân tử gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axit”.

- Chức năng của thuật ngữ: Thuật ngữ được dùng để biểu thị các khái niệm khoa học, công nghệ.

- Văn bản Chúng ta có thể đọc nhanh hơn? của tác giả A-dam Khu (Adam Khoo) được trích từ tác phẩm Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!

Chuẩn bị đọc

1. Theo em, trong các hoạt động như đọc sách, ghi chép... có cần đến quy tắc, luật lệ không? Vì sao?

Trong các hoạt động như đọc sách, ghi chép... cần phải có quy tắc, luật lệ bởi khi chúng ta đọc sách, việc ghi chép theo trình tự, có quy tắc, luật lệ sẽ giúp việc đọc sách, ghi chép đạt hiệu quả hơn, tiếp thu được nhiều kiến thức nhanh hơn.

2. Khi đọc một văn bản, em thường đọc thành tiếng hay đọc thầm và em đã bằng lòng với khả năng đọc hiểu văn bản của mình chưa? Hãy chia sẻ với các bạn cùng nhóm.

Khi đọc một văn bản, em thường đọc thầm và vẫn chưa bằng lòng với khả năng đọc hiểu văn bản của mình vì đối với những văn bản dài, tốc độ đọc của em còn khá chậm.

Trải nghiệm cùng văn bản

1. Xem hình minh họa 1 và 2 (SGK Ngữ văn 7, tập một, tr. 99): đối chiếu các đường nét, chi tiết trong hình với lời văn trong mục 2.

Khi đối chiếu có thể thấy hình minh họa trùng khớp với lời văn.

2. Xem hình minh họa 3 (SGK Ngữ văn 7, tập một, tr. 99): đối chiếu các tầm mắt đọc “chụp” từng chữ một với tầm mắt đọc “chụp” đồng thời 5- 7 chữ.

Tầm mắt đọc “chụp” từng chữ một sẽ có tốc độ chậm hơn so với đọc đồng thời 5- 7 chữ.

Suy ngẫm và phản hồi

1. Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết văn bản trên là một văn bản giới thiệu về một quy tắc trong hoạt động?

- Văn bản có các bước hướng dẫn rõ ràng, hình minh họa cụ thể.

- Nội dung văn bản giới thiệu một số phương pháp liên quan đến học tập.

- Có các thông tin bổ ích, trình bày ngắn gọn, dễ hiểu.

- Ngôn ngữ khoa học ít yếu tố biểu cảm.

2. Xác định thông tin cơ bản của văn bản trên. Nhận xét về mối quan hệ giữa đặc điểm với mục đích viết của văn bản.

- Thông tin cơ bản của văn bản là đưa ra phương pháp để đọc nhanh hơn:

 + Sử dụng một cây bút chì làm vật dẫn đường.

 + Tìm kiếm những ý chính và các từ khóa.

 + Mở rộng tầm mắt để đọc được một cụm 5- 7 chữ một lúc.

 + Tập nghe nhạc nhịp độ nhanh trong lúc đọc khi bạn có một không gian riêng.

 + Đọc phần tóm tắt cuối chương trước.

 + Liên tục đẩy và thử thách khả năng của bạn.

- Các đặc điểm được đưa ra góp phần làm rõ nội dung mục đích viết của văn bản.

3. Với các mục 1, 2, 3, nếu không có hình minh họa thì có thể đọc hiểu sẽ gặp khó khăn. Vì sao? Với các mục 4, 5, 6, nếu không có hình minh họa thì có thể việc đọc hiểu vẫn thuận lợi. Vì sao?

- Ở các mục 1, 2, 3, nếu không có hình minh họa thì việc đọc hiểu sẽ gặp khó khăn vì nội dung các đoạn này hướng dẫn cách đọc văn bản nhanh nên cần có hình ảnh minh họa đi kèm. Nếu không có hình minh họa thì người đọc sẽ thấy khó hiểu, mơ hồ, nản chí.

- Ở các mục 4, 5, 6, nếu không có hình minh họa thì việc đọc hiểu vẫn thuận lợi vì trong các đoạn này, hướng dẫn chúng ta cách đọc quen thuộc và dễ hình dung hơn với học sinh.

4. Chỉ ra cước chú trên văn bản và tài liệu tham khảo. Mục tài liệu tham khảo ở cuối văn bản gồm mấy đơn vị tài liệu, mỗi đơn vị tài liệu có những loại thông tin nào? Việc trình bày tài liệu tham khảo cho văn bản có tác dụng gì?

- Cước chú trên văn bản và tài liệu tham khảo ở chân trang: Nhan đề văn bản do nhóm biên soạn đặt và Cần phân biệt “đọc bằng mắt” và “đọc thầm”. ”Đọc thầm” là nhìn vào văn bản, miệng vẫn lẩm bẩm theo từng chữ; đọc bằng mắt là “đọc bằng giọng đọc bên trong” tức “đọc bằng não”.

- Mục tài liệu tham khảo ở cuối văn bản gồm 6 đơn vị tài liệu. Mỗi đơn vị tài liệu có những thông tin: Tác giả, tên tài liệu, nơi xuất bản, năm xuất bản, nhà xuất bản.

5. Sau khi đọc văn bản trên, em thấy bản thân có thể luyện tập để đạt tốc độ đọc nhanh hơn không? Vì sao?

Sau khi đọc văn bản, em thấy bản thân có thể luyện tập để đạt tốc độ đọc nhanh hơn qua những phương pháp trong bài vì đã được hướng dẫn cách thức để cải thiện tốc độ đọc.