Bài 5: Phan Bội Châu và phong trào Đông Du

- Phan Bội Châu sinh năm 1867 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Đan Nhiệm, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Phan Bội Châu lớn lên khi đất nước đã bị thực dân Pháp đô hộ. Ông day dứt lo tìm con đường giải phóng dân tộc.

- Phan Bội Châu là nhà yêu nước tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỉ XX. Phong trào Đông du do ông cổ động, tổ chức nhằm đào tạo nhân tài cứu nước.

1. Phong trào Đông du.

- Cùng với những người chung chí hướng, ông lập Hội Duy tân (1904) và được cử ra nước ngoài để tìm kiếm sự giúp đỡ. Năm 1905, Phan Bội Châu tới Nhật Bản và được một số người Nhật hứa giúp đỡ đào tạo về kĩ thuật, quân sự cho thanh niên yêu nước Việt Nam.

- Phan Bội Châu về nước, vận động thanh niên sang Nhật học. Số người sang Nhật học ngày càng nhiều. Để có tiền ăn học, họ đã phải làm nhiều nghề, kể cả việc đánh giày hay rửa bát đĩa trong các quán ăn. Cuộc sống của họ hết sức kham khổ, nhà cửa chật chội, thiếu thốn đủ thứ. Mặc dù vậy, họ vẫn vượt qua mọi khó khăn, hăng say học tập.

- Phan Bội Châu ra sức tuyên truyền, cổ động cho phong trào Đông du. Vì vậy, tiền của nhân dân trong nước ủng hộ ngày càng nhiều và hàng trăm thanh niên nô nức sang Nhật học. Ai cũng mong mau chóng học xong để trở về cứu nước.

2. Vì sao phong trào Đông du thất bại?

- Phong trào Đông du phát triển làm cho thực dân Pháp lo ngại. Năm 1908, thực dân Pháp câu kết với Nhật chống phá phong trào Đông du. Ít lâu sau, Chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất những người yêu nước Việt Nam và Phan Bội Châu khỏi Nhật Bản.

- Đầu năm 1909, phong trào Đông du tan rã, Phan Bội Châu cùng với nhiều thành viên của Hội Duy tân lánh sang Quảng Châu rồi sang Xiêm, tiếp tục hoạt động cứu nước.