Bài 5: Nguyên tố hóa học

I. NGUYÊN TỐ HÓA HỌC LÀ GÌ?

1. Định nghĩa

- Nguyên tố hóa học là tập hợp những nguyên tử cùng loại, có cùng số proton trong hạt nhân.

$\longrightarrow$ Số p là số đặc trưng của một nguyên tố hóa học.

$\longrightarrow$ Các nguyên tử thuộc cùng một nguyên tố hóa học đều có tính chất hóa học như nhau.

2. Kí hiệu hóa học

- Mỗi nguyên tố hóa học được biểu diễn bằng 1 hay 2 chữ cái, trong đó chữ cái đầu được viết ở dạng chữ in hoa, gọi là kí hiệu hóa học.

Thí dụ: Kí hiệu hóa học của hiđro là H; kí hiệu hóa học của canxi là Ca.

- Quy ước mỗi kí hiệu của nguyên tố còn chỉ 1 nguyên tử của nguyên tố đó.

Thí dụ: muốn chỉ hai nguyên tử hiđro, viết 2 H

- Kí hiệu hóa học được quy định dùng thống nhất trên toàn thế giới.

II. NGUYÊN TỬ KHỐI

- Quy ước: lấy 1/12 khối lượng của nguyên tử cacbon làm đơn vị khối lượng cho nguyên tử, gọi là đơn vị cacbon, viết tắt là đvC, kí hiệu quốc tế là u.

- Nguyên tử khối là khối lượng của một nguyên tử tính bằng đơn vị cacbon.

- Mỗi nguyên tố có một nguyên tử khối riêng biệt.              

$\longrightarrow$ Biết tên nguyên tố: tìm được nguyên tử khối.

$\longrightarrow$ Biết nguyên tử khối: tìm tên và kí hiệu nguyên tố.

III. CÓ BAO NHIÊU NGUYÊN TỐ HÓA HỌC?

- Các nhà khoa học đã tìm thấy trên 110 nguyên tố khác nhau.

- Trong đó, 92 nguyên tố có trong tự nhiên, còn lại là nguyên tố nhân tạo do con người tổng hợp được.

- Oxi là nguyên tố chiếm gần nửa khối lượng vỏ trái đất.