Bài 48: Hệ thần kinh sinh dưỡng

Xét về chức năng, hệ thần kinh được phân thành: hệ thần kinh vận động điều khiển hoạt động của các cơ vân (cơ xương) và hệ thần kinh sinh dưỡng điều khiển hoạt động của các nội quan.

Hệ thần kinh sinh dưỡng lại bao gồm: phân hệ thần kinh giao cảm và phân hệ thần kinh đối giao cảm.

I. CUNG PHẢN XẠ SINH DƯỠNG

- Trung khu (bộ phận trung ương) của các phản xạ vận động và sinh dưỡng đều nằm trong chất xám, nhưng trung khu của phản xạ sinh dưỡng nằm trong sừng bên của tủy sống và trụ não.

- Đường đi của xung thần kinh trong cung phản xạ:

+ Cung phản xạ vận động:

Cơ quan thụ cảm $\underset{hướng\,\,tâm}{\overset{nơron}{\longrightarrow}}$ Trung ương thần kinh $\underset{li\,\,tâm}{\overset{nơron}{\longrightarrow}}$ Cơ quan trả lời.

+ Cung phản xạ sinh dưỡng:

Cơ quan thụ cảm $\underset{hướng\,\,tâm}{\overset{nơron}{\longrightarrow}}$ Trung ương thần kinh $\underset{trước\,\,hạch}{\overset{nơron}{\longrightarrow}}$ Hạch thần kinh sinh dưỡng $\underset{sau\,\,hạch}{\overset{nơron}{\longrightarrow}}$ Cơ quan trả lời.

- So sánh cung phản xạ vận động và cung phản xạ sinh dưỡng:

 

Cung phản xạ vận động

Cung phản xạ sinh dưỡng

Trung khu

Nằm trong chất xám.

Nằm trong chất xám ở sừng bên của tủy sống và trụ não.

Hạch thần kinh

Không có.

Có.

Đường hướng tâm

Gồm 1 nơron liên hệ với trung khu ở sừng sau chất xám.

Nơron liên lạc tiếp xúc với nơron vận động ở sừng trước.

Gồm một nơron liên hệ với trung khu ở sừng sau chất xám.

Nơron liên lạc tiếp xúc với nơron trước hạch ở sừng bên.

Đường li tâm

Chỉ có 1 nơron chạy thẳng từ sừng trước chất xám tới cơ quan đáp ứng.

Gồm 2 nơron tiếp giáp nhau trong các hạch thần kinh sinh dưỡng.

Vai trò

Điều khiển hoạt động của các cơ.

Điều khiển hoạt động của nội quan.

 

II. CẤU TẠO CỦA HỆ THẦN KINH SINH DƯỠNG

- Hệ thần kinh sinh dưỡng cũng gồm phần trung ương nằm trong não, tủy sống và phần ngoại biên là các dây thần kinh và hạch thần kinh, nhưng giữa hai phân hệ giao cảm và đối giao cảm vẫn có những sai khác.

- Phân hệ giao cảm có trung ương nằm ở chất xám thuộc sừng bên tủy sống (đốt tủy ngực I đến đốt tủy thắt lưng III). Các nơron trước hạch đi tới chuỗi hạch giao cảm và tiếp cận với nơron sau hạch.

- Phân hệ đối giao cảm có trung ương là các nhân xám trong trụ não và đoạn cùng tủy sống. Các nơron trước hạch đi tới các hạch đối giao cảm (nằm cạnh cơ quan) để tiếp cận các nơron sau hạch.

- Các sợi trước hạch của cả 2 phân hệ đều có bao miêlin, còn các sợi sau hạch không có bao miêlin.

- So sánh cấu tạo của phân hệ giao cảm và phân hệ đối giao cảm:

Cấu tạo

Phân hệ giao cảm

Phân hệ đối giao cảm

Trung ương

Các nhân xám ở sừng bên tủy sống (từ đốt tủy ngực I đến đốt tủy thắt lưng III).

Các nhân xám ở trụ não và đoạn cùng tủy sống.

Ngoại biên gồm: Hạch thần kinh (nơi chuyển tiếp nơron)

Chuỗi hạch nằm gần cột sống (chuỗi hạch giao cảm) xa cơ quan phụ trách.

Hạch nằm gần cơ quan phụ trách.

Nơron trước hạch (sợi trục có bao miêlin)

Sợi trục ngắn.

Sợi trục dài.

Nơron sau hạch (không có bao miêlin)

Sợi trục dài.

Sợi trục ngắn.

 

III. CHỨC NĂNG CỦA HỆ THẦN KINH SINH DƯỠNG

- Hai phân hệ giao cảm và đối giao cảm có tác dụng đối lập đối với hoạt động của các cơ quan sinh dưỡng.

- Nhờ tác dụng đối lập của phân hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm mà hệ thần kinh sinh dưỡng điều hòa được hoạt động của các cơ quan nội tạng (cơ trơn, cơ tim và các tuyến).