Bài 44: Kinh tế Trung và Nam Mĩ
1. Nông nghiệp
a) Các hình thức sở hữu trong nông nghiệp
- Ở Trung và Nam Mĩ, chế độ chiếm hữu ruộng đất còn rất nặng nề, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
- Hai hình thức sở hữu nông nghiệp phổ biến là đại điền trang và tiểu điền trang.
$\bullet \,\,$ Đại điền trang:
+ Thuộc sở hữu của các đại điền chủ, chỉ chiếm dưới 5% số dân nhưng sở hữu trên 60% diện tích đất đai canh tác và đồng cỏ chăn nuôi.
+ Quy mô lớn, hàng nghìn hecta, năng suất thấp do sản xuất theo lối quảng canh.
$\bullet \,\,$ Tiểu điền trang:
+ Thuộc sở hữu của các hộ nông dân.
+ Quy mô nhỏ, diện tích dưới 5 ha, chủ yếu trồng lương thực để tự túc.
- Chế độ sở hữu ruộng đất bất hợp lí, trong khi có một bộ phận lớn nông dân không có ruộng đất, phải đi làm thuê.
- Nông nghiệp nhiều nước lệ thuộc nước ngoài.
b) Các ngành nông nghiệp
- Ngành trồng trọt:
+ Trồng trọt mang tính chất độc canh do lệ thuộc vào nước ngoài.
+ Nông sản chủ yếu là cây công nghiệp và cây ăn quả để xuất khẩu.
+ Các quốc gia ở eo đất Trung Mĩ trồng mía, bông, cà phê và đặc biệt là chuối.
+ Các quốc gia thuộc quần đảo Ăng-ti trồng cà phê, ca cao, thuốc lá và đặc biệt là mía (Cu-ba).
+ Các quốc gia Nam Mĩ trồng bông, chuối, ca cao, mía, cây ăn quả cận nhiệt và đặc biệt là cà phê (Bra-xin, Cô-lôm-bi-a).
+ Một số nước xuất khẩu nhiều lúa mì như Bra-xin, Ac-hen-ti-na; nhưng phần lớn quốc gia ở Trung và Nam Mĩ vẫn phải nhập lương thực, thực phẩm từ nước ngoài.
- Ngành chăn nuôi:
+ Nhờ có nhiều đồng cỏ rộng, tươi tốt, nên chăn nuôi phát triển với quy mô lớn.
+ Chăn nuôi bò thịt và bò sữa phát triển ở các nước Bra-xin, Ac-hen-ti-na, U-ru-goay, Pa-ra-goay.
+ Cừu và lạc đà phân bố chủ yếu trên sườn núi Trung An-đet.
- Đánh bắt cá: Pê-ru có ngành đánh bắt cá biển rất phát triển, với sản lượng cao bậc nhất trên thế giới.