Bài 43. Ảnh hưởng của nhiệt độ và độ ẩm lên đời sống sinh vật
I. ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỆT ĐỘ LÊN ĐỜI SỐNG SINH VẬT
- Nhiệt độ môi trường ảnh hưởng tới hình thái, hoạt động sinh lý của sinh vật.
- Đa số các loài sống trong phạm vi nhiệt độ từ 0 độ đến 50 độ C. Tuy nhiên cũng có một số sinh vật nhờ khả năng thích nghi cao nên có thể sống được ở nhiệt độ rất thấp hoặc rất cao.
- Sinh vật được chia thành hai nhóm:
+ Sinh vật hằng nhiệt: là sinh vật có nhiệt độ cơ thể không phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường sống; bao gồm các động vật có tổ chức cơ thể cao như chim, thú và con người.
+ Sinh vật biến nhiệt: là sinh vật có nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường sống (nhưng trong giới hạn của loài); gồm các vi sinh vật, nấm, thực vật, động vật không xương sống, cá, ếch nhái, bò sát...
II. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỘ ẨM LÊN ĐỜI SỐNG SINH VẬT
- Sinh vật thích nghi với môi trường sống có độ ẩm khác nhau. Từ đó hình thành 2 nhóm sinh vật:
* Thực vật:
+ Nhóm ưa ẩm: lúa nước, dương xỉ, cây ráy…
+ Nhóm chịu hạn: xương rồng, thông, phi lao…
* Động vật:
+ Nhóm ưa ẩm: giun đất, ếch nhái…
+ Nhóm ưa khô: Thằn lằn, rắn, lạc đà…