Bài 41. Nhiên liệu
I. NHIÊN LIỆU LÀ GÌ?
- Nhiên liệu là những chất cháy được, khi cháy tỏa nhiệt và phát sáng.
- Nhiên liệu đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sản xuất.
- Các nhiên liệu thông thường có sẵn trong tự nhiên như than, củi, dầu hỏa, khí ga…; hoặc các nhiên liệu được điều chế từ nguồn nguyên liệu trong tự nhiên như cồn đốt, khí than,...
II. NHIÊN LIỆU ĐƯỢC PHÂN LOẠI NHƯ THẾ NÀO?
- Dựa vào trạng thái, người ta chia nhiên liệu thành 3 loại: rắn, lỏng, khí.
1. Nhiên liệu rắn
- Gồm than mỏ, gỗ,…
- Than mỏ gồm các loại: than gầy, than mỡ, than non và than bùn.
- Gỗ là nhiên liệu được sử dụng từ cổ xưa, nhưng hiện nay đã được hạn chế. Gỗ chủ yếu được sử dụng làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu cho công nghiệp giấy.
2. Nhiên liệu lỏng
- Gồm các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ như xăng, dầu hỏa và cồn...
- Nhiên liệu lỏng được dùng chủ yếu cho các động cơ đốt trong, một phần nhỏ dùng để đun nấu và thắp sáng.
3. Nhiên liệu khí
- Gồm các loại khí thiên nhiên, khí mỏ dầu, khí lò cốc, khí lò cao, khí than...
- Nhiên liệu khí có năng suất tỏa nhiệt cao, dễ cháy hoàn toàn, ít gây độc hại cho môi trường.
- Nhiên liệu khí được sử dụng nhiều trong đời sống và trong công nghiệp.
III. SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU NHƯ THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?
- Khi nhiên liệu cháy không hoàn toàn sẽ gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường.
- Sử dụng hiệu quả nhiên liệu là phải làm cho nhiên liệu cháy hoàn toàn, đồng thời tận dụng được nhiệt lượng do quá trình cháy tạo ra.
- Sử dụng nhiên liệu hiệu quả cần đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Cung cấp đủ không khí hoặc oxi cho quá trình cháy.
2. Tăng diện tích tiếp xúc của nhiên liệu với không khí hoặc oxi.
3. Điều chỉnh lượng nhiên liệu để duy trì sự cháy ở mức độ cần thiết phù hợp với nhu cầu sử dụng.