Bài 41: Cấu tạo và chức năng của da

I. CẤU TẠO CỦA DA

- Cấu tạo da gồm 3 lớp: lớp biểu bì, lớp bì và lớp mỡ dưới da.

- Lớp biểu bì ngoài cùng là tầng sừng gồm những tế bào chết đã hóa sừng, xếp sít nhau, dễ bong ra. Dưới tầng sừng là lớp tế bào sống có khả năng phân chia tạo ra tế bào mới, trong tế bào có chứa các hạt sắc tố tạo nên màu da. Các tế bào mới sẽ thay thế các tế bào ở lớp sừng bong ra.

- Phần dưới lớp tế bào sống là lớp bì cấu tạo từ các sợi mô liên kết bền chặt trong đó có các thụ quan, tuyến mồ hôi, tuyến nhờn, lông và bao lông, cơ co chân lông, mạch máu.

- Lớp mỡ dưới da chứa mỡ dự trữ, có vai trò cách nhiệt.

- Lông, móng là sản phẩm của da. Lòng bàn tay và gan bàn chân không có lông. Lông, móng được sinh ra từ các túi cấu tạo bởi các tế bào của tầng tế bào sống.

II. CHỨC NĂNG CỦA DA

- Bảo vệ cơ thể: chống các yếu tố gây hại của môi trường như sự va đập, sự xâm nhập của vi khuẩn, chống thấm nước và thoát nước. Đó là do đặc điểm cấu tạo từ các sợi của mô liên kết, lớp mỡ dưới da và tuyến nhờn. Chất nhờn do tuyến nhờn tiết ra còn có tác dụng diệt khuẩn. Sắc tố da góp phần chống tác hại của tia tử ngoại.

- Điều hòa thân nhiệt: nhờ sự co dãn của mao mạch dưới da, tuyến mồ hôi, cơ co chân lông, lớp mỡ dưới da chống mất nhiệt.

- Nhận biết kích thích của môi trường: nhờ các cơ quan thụ cảm là những đầu mút tế bào thần kinh giúp da tiếp nhận các kích thích.

- Tham gia hoạt động bài tiết qua tuyến mồ hôi ở lớp bì.

- Da còn là sản phẩm tạo nên vẻ đẹp của con người.