Bài 4: Thứ Bảy xanh
Khởi động
Kể tên một số đồ dùng hoặc đồ chơi tự làm mà em biết.
Hộp đựng bút, lọ hoa, heo tiết kiệm, búp bê len...
Khám phá và luyện tập
Đọc và trả lời câu hỏi
1. Các bạn học sinh làm gì trong ngày thứ Bảy xanh?
Các bạn học sinh hào hứng tạo nên nhiều mẫu chậu cây độc đáo từ những chiếc chai nhựa đã qua sử dụng.
2. Chậu cây tái chế của mỗi lớp có hình gì?
- Những chậu cây trầu bà của lớp 3A nối đuôi nhau giống đoàn tàu hỏa.
- Những chậu cây mười giờ của lớp 3B hình chú gấu ngộ nghĩnh.
- Những bông sen cạn của lớp 3C có miệng chậu hình li rượu.
3. Mỗi lớp trồng cây và treo chậu cây tái chế như thế nào?
- Ở khung cửa lớp 3A, những chậu cây trầu bà khoét ngang, nối đuối nhau giống đoàn tàu hỏa đang chở bầu không khí tươi mát vào lớp học.
- Hàng chục chậu cây mười giờ hình chú gấu ngộ nghĩnh được treo so le như những đường thêu ngẫu hứng, chia khung cửa sổ lớp 3B thành ô họa tiết ca rô nhiều màu sắc trông rất vui mắt.
- Khung cửa sổ lớp 3C thật duyên dáng với những bông sen cạn đỏ thắm nở từ miệng chậu hình li rượu.
4. Trong câu cuối bài, mỗi chậu cây tái chế được so sánh với hình ảnh nào?
Mỗi chậu cây tái chế như một ánh mắt biết cười.
5. Theo em vì sao ngày thứ Bảy được gọi là thứ Bảy xanh?
Vì trong ngày thứ Bảy, mọi người làm những việc để góp phần bảo vệ môi trường sống.
Trao đổi với bạn ý tưởng trang trí lớp học từ chậu cây tái chế.
Làm hoa giả từ ống hút, làm đồng hồ từ nắp chai, làm ống đựng bút, chậu cây bằng chai nhựa...
Nói và nghe
1. Nghe kể chuyện.
2. Kể từng đoạn của câu chuyện theo tranh và câu gợi ý dưới tranh:
- Bức tranh 1: Sứ thần của vua Minh bên Trung Quốc sang thăm dò người giỏi ở nước ta, Lương Thế Vinh thừa lệnh Vua Lê tiếp đón đoàn sứ thần.
- Bức tranh 2: Trong một buổi đi dạo dọc sông Tô Lịch, sứ thần muốn thử tài Lương Thế Vinh nên nhờ Vinh cân xem voi nặng bao nhiêu.
- Bức tranh 3: Hiểu ý đồ của viên sứ, Vinh bảo quản tượng dắt voi xuống thuyền. Sứ Minh còn đang ngơ ngác thì thấy Vinh đã đo xong chiều cao của phần thuyền bị chìm.
- Bức tranh 4: Sau đó, Vinh sai lính dắt voi lên và xếp đá xuống.
- Bức tranh 5: Khi thuyền đã chìm sâu bằng mức chở voi thì Vinh cho ngừng chuyển đá, và dùng cân, cân số đá trên thuyền.
- Bức tranh 6: Sứ thần phục lăn và xin bái phục trước trí thông minh của Vinh.
3. Kể lại toàn bộ câu chuyện.
Viết
1. Nói về lí do em thích hoặc không thích một nhân vật trong câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe dựa vào gợi ý:
a. Em muốn nói về nhân vật nào?
Em muốn nói về nhân vật I-sắc Niu-tơn.
b. Lí do em thích hoặc không thích nhân vật ấy?
Có thể dựa vào đặc điểm, lời nói, việc làm của nhân vật để nói lí do em thích hoặc không thích nhân vật ấy.
2. Viết đoạn văn ngắn (từ 6 đến 8 câu) về lí do em thích hoặc không thích một nhân vật trong câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe.
Trong những câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe, em thích nhất nhân vật I-sắc Niu-tơn trong văn bản Đồng hồ Mặt trời. Em rất khâm phục trí thông minh và bản lĩnh của nhân vật. Từ chi tiết về sự thay đổi chiều dài của cái bóng mà phát minh ra chiếc đồng hồ. Sau khi phát minh ra đồng hồ, ông đã đặt nó ở khu vực công cộng để mọi người cùng sử dụng. Không chỉ là người thông minh, tài giỏi, ông còn là người biết quan tâm tới những người xung quanh. Ông xứng đáng với sự tôn vinh của mọi người và là tấm gương sáng để các học sinh học tập.
Vận dụng
Giải ô chữ sau:
1. Đọc sách.
2. Ca hát.
3. Đoàn tàu.
4. Đồng hồ.
5. Hộp bút.
6. Bản nhạc.
7. Chậu cây.
Từ khóa: Sáng tạo.