Bài 4: Mô
I. KHÁI NIỆM MÔ
- Trong quá trình phát triển phôi, các phôi bào có sự phân hóa để hình thành các cơ quan khác nhau thực hiện các chức năng khác nhau nên tế bào có cấu trúc, hình dạng, kích thước khác nhau.
- Mô là một tập hợp gồm các tế bào chuyên hóa, có cấu tạo giống nhau, cùng đảm nhận chức năng nhất định. Ví dụ mô biểu bì, mô liên kết…
- Mô gồm tế bào và phi bào.
II. CÁC LOẠI MÔ
Trong cơ thể có 4 loại mô chính là mô biểu bì, mô cơ, mô liên kết, mô thần kinh.
1. Mô biểu bì
- Mô biểu bì gồm các tế bào xếp sít nhau, phủ ngoài cơ thể, lót trong các cơ quan rỗng như ống tiêu hóa, dạ con, bóng đái... có chức năng bảo vệ, hấp thụ và tiết.
2. Mô liên kết
- Mô liên kết gồm các tế bào liên kết nằm rải rác trong chất nền, cơ thể có các sợi đàn hồi như các sợi liên kết ở da... có chức năng tạo ra bộ khung của cơ thể, neo giữ các cơ quan hoặc chức năng đệm.
3. Mô cơ
- Mô cơ gồm 3 loại: mô cơ vân, mô cơ tim, mô cơ trơn.
- Đặc điểm chung là các tế bào cơ đều dài.
- Cơ vân gắn với xương, tế bào có nhiều nhân, có vân ngang.
- Cơ trơn tạo nên thành nội quan như dạ dày, ruột, mạch máu, bóng đái... Tế bào cơ trơn có hình thoi đầu nhọn và chỉ có 1 nhân.
- Cơ tim tạo nên thành tim. Tế bào cơ tim cũng có vân giống cơ vân, tế bào phân nhánh, có 1 nhân.
- Chức năng của mô cơ là co, dãn, tạo nên sự vận động.
4. Mô thần kinh
- Mô thần kinh gồm các tế bào thần kinh gọi là nơron và các tế bào thần kinh đệm (còn gọi là thần kinh giao).
- Nơron gồm có thân chứa nhân, từ thân phát đi nhiều tua ngắn phân nhánh gọi là sợi nhánh và một tua dài gọi là sợi trục. Diện tiếp xúc giữa đầu mút của sợi trục ở nơron này với nơron kế tiếp hoặc cơ quan phản ứng gọi là xináp.
- Chức năng của mô thần kinh là tiếp nhận kích thích, xử lí thông tin và điều hòa hoạt động các cơ quan, đảm bảo sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan thích ứng với các kích thích từ môi trường.