Bài 4: Lên nương

Khởi động

Quan sát tranh bên và trao đổi với bạn:

- Tranh vẽ cảnh ở đâu? Tranh vẽ cảnh trên nương ngô.

- Bạn nhỏ đang làm gì? Bạn nhỏ đang giúp mẹ thu hoạch ngô.

- Em có suy nghĩ gì về việc làm của bạn? Bạn nhỏ rất chăm chỉ, siêng năng, biết giúp mẹ chia sẻ công việc để mẹ bớt vất vả.

Khám phá và luyện tập

1. Cảnh cao nguyên trong đoạn đầu được tả bằng những hình ảnh nào?

- Cơn gió thổi từ phía thung lũng lên mát rượi.

- Mùi ngô non thơm dịu trong gió.

- Cao nguyên đang mùa xanh mát.

- Ngô, cỏ voi và những loại cỏ khác đón những cơn mưa mùa hạ vươn lên xanh ngắt.

2. Mỗi cách nói sau có gì thú vị?

a. Những bó cỏ voi đều “chạy” từ trên nương về trên lưng của bố.

Những bó cỏ voi được bố vác về nhưng tác giả lại nhân hóa là “chạy” từ trên nương về trên lưng bố. Cách nói thể hiện sự hóm hỉnh khi miêu tả hành động nhanh nhẹn, khỏe khoắn của bố khi vác cỏ về nhà.

b. Lưng con còn nhỏ lắm, không đủ sức nuôi hai con bò đâu!

Câu nói hài hước thể hiện tình thương của bố dành cho con. Bố không muốn con còn nhỏ mà phải làm công việc vất vả, nặng nhọc.

3. Những chi tiết nào cho thấy Liêm rất vui và sẵn sàng với công việc?

- Liêm xốc lại chiếc quẩy tấu trên vai. Em vui bước trên con đường đầy màu xanh.

- Liêm bảo với bố để mình chăm hai con bò.

- Liêm cũng cười: “Không sao. Con đi hai chuyến. Mỗi chuyến một bó cỏ là đủ rồi”.

- Vậy là chiều nay, Liêm lên nương thật sớm.

4. Cách tả mặt trời và nắng ở đoạn cuối có gì hay?

Câu văn “Mặt trời mới đi hơn nửa đường một tí, nắng vàng soi cái bóng tròn ủm dưới chân Liêm”, cho thấy cách tả mặt trời và nắng ở đoạn này rất hấp dẫn và thú vị.

5. Bài đọc giúp em biết thêm điều gì về cuộc sống của các bạn nhỏ ở vùng cao?

Cuộc sống của các bạn nhỏ ở vùng cao còn nhiều vất vả, khó khăn, ngoài giờ học, các bạn phải giúp bố mẹ lên nương bẻ bắp hoặc cắt cỏ…

Luyện từ và câu

1. Tìm danh từ trong các câu ca dao, tục ngữ, đoạn văn dưới đây và xếp vào nhóm phù hợp:

a. Tháng Chạp là tháng trồng khoai,

Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà

Tháng Ba cày vỡ ruộng ra,

Tháng Tư làm mạ mưa sa đầy đồng.

(Ca dao)

b. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.

(Tục ngữ)

c. Bố đi câu về, không một lần nào là chúng tôi không có quà.

Mở thúng câu ra là cả một thế giới dưới nước: cà cuống, niềng niễng đực, niềng niễng cái bò nhộn nhạo. Hoa sen đỏ, nhị sen vàng tỏa hương thơm lừng. Những con cá sộp, cá chuối quẫy toé nước, mắt thao láo...

(Theo Duy Khán)

- Chỉ con vật: Chuồn chuồn, cà cuống, niềng niễng, cá sộp, cá chuối.

- Chỉ cây cối: Khoai, đậu, cà, mạ, sen.

- Chỉ thời gian: Tháng Chạp, tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Tư.

- Chỉ hiện tượng thiên nhiên: Mưa, nắng, râm.

2. Tìm 2 - 3 danh từ cho mỗi nhóm dưới đây:

- Từ chỉ nghề nghiệp: Bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, công an, bộ đội.

- Từ chỉ đồ dùng, đồ chơi: Bút, thước, gấu bông, ván trượt.

- Từ chỉ các buổi trong ngày: Sáng, trưa, chiều, tối.

- Từ chỉ các mùa trong năm: Xuân, hạ, thu, đông.

3. Đặt 1 - 2 câu nói về một hiện tượng tự nhiên.

- Trời đang trong xanh bỗng ùn ùn những đám mây đen và mưa rơi xuống rào rào.

- Mặt trời vừa lên đã tỏa những ánh nắng ấm áp xuống khu vườn.

Viết

Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu.

1. Dựa vào dàn ý đã lập ở trang 17 (Tiếng Việt 4, tập một), viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe.

Lưu ý:

– Em chọn cách viết nào để có đoạn mở bài hấp dẫn? (mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp).

– Em nên kể chuyện thế nào cho sinh động?

+ Kể câu chuyện bằng lời của mình.

+ Có thể lược bớt các chi tiết không quan trọng, tập trung kể cụ thể sự việc chính, làm nổi bật lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu của nhân vật.

+ Có thể thêm vào sự việc chính lời nói, suy nghĩ, hành động... của nhân vật.

+ Cũng có thể bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của em về sự việc chính.

– Em viết đoạn kết bài thế nào để người đọc ấn tượng? (chọn cách kết mở rộng hoặc không mở rộng).

2. Đọc lại và chỉnh sửa bài viết theo gợi ý: Lời kể, trình tự các sự việc, từ ngữ chỉ thời gian hoặc địa điểm, lời nói, suy nghĩ, hành động… của nhân vật, chính tả…

Vận dụng

Đóng vai, nói và đáp lại lời động viên, khen ngợi của bố mẹ và chị Dua với Liêm:

- Đáp lời của chị Dua: Em cảm ơn những lời khuyên và động viên của chị, em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện tốt hơn.

- Đáp lời của bố mẹ: Con cảm ơn sự quan tâm của bố mẹ, con rất vui vì có thể chia sẻ bớt gánh nặng với bố mẹ những công việc hàng ngày.