Bài 4: Cây táo đã nảy mầm

Khởi động

Tưởng tượng mình là người làm vườn, chia sẻ cảm xúc của em khi:

- Khi hạt giống nảy mầm: Em háo hức chờ xem mầm non có hình dạng như thế nào.

- Khi cây lên xanh tốt: Em mong chờ ngày cây trổ hoa sẽ ra sao.

- Khi cây ra hoa, kết quả: Em vui mừng rỡ chào đón và thưởng thức thành quả sau thời gian chăm sóc cây.

Khám phá và luyện tập

1. Cô bé ước ao điều gì khi gieo hạt táo vào chiếc chậu đất ngoài ban công?

Khi gieo hạt táo vào chiếc chậu đất ngoài ban công, cô bé ước ao hạt táo sẽ mọc lên một cây táo.

2. Những chi tiết nào cho thấy cô bé rất hi vọng hạt táo sẽ nảy mầm?

- Cô bé tưới nước cho chậu đất mỗi ngày.

- Mỗi sáng, cô bé thì thầm trước chậu đất: “Hạt táo đang ngủ, mình sẽ tưới nước mỗi ngày để hạt táo thức dậy”.

3. Lời nói của cô bé khi thấy hạt táo nảy mầm nói lên điều gì?

Chọn các đáp án đúng:

- Cô bé luôn mong chờ cây táo nảy mầm.

- Cô bé rất vui mừng khi hạt táo nảy mầm.

- Cô bé coi cây táo như một người bạn.

- Cô bé mong cây táo mau ra hoa, kết quả.

Các đáp án đúng:

- Cô bé luôn mong chờ cây táo nảy mầm.

- Cô bé rất vui mừng khi hạt táo nảy mầm.

- Cô bé coi cây táo như một người bạn.

4. Hình ảnh cây táo trong tưởng tượng của cô bé có gì đẹp?

Một cây táo có những chùm hoa trắng muốt, những trái táo căng mọng trĩu cành.

5. Đặt một tên khác cho bài đọc.

- Chờ đợi là hạnh phúc.

- Tình yêu cây xanh.

- Hạt táo và ước mơ.

Luyện từ và câu

1. Đọc các đoạn vè, đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu:

Hay nhặt lân la

Là bà chim sẻ

Có tình có nghĩa

Là mẹ chim sâu

Giục hè đến mau

Là cô tu hú

Nhấp nhem buồn ngủ

Là bác cú mèo…

(Vè dân gian)

Mặt trời rúc bụi tre

Buổi chiều về nghe mát

Bò ra sông uống nước

Thấy bóng mình, ngỡ ai

Bò chào: -“Kìa anh bạn!

Lại gặp anh ở đây!”

(Phạm Hổ)

a. Tìm các sự vật được nhân hóa và cho biết mỗi sự vật ấy được nhân hóa bằng những cách nào?

- Những sự vật được nhân hóa: Chim sẻ, chim sâu, tu hú, cú mèo, mặt trời, bò.

- Cách nhân hóa: Dùng từ ngữ gọi người để gọi vật, dùng từ chỉ quan hệ, chỉ đặc điểm, hoạt động của con người.

+ Chim sẻ: Được gọi là hình ảnh người bà, nhặt lân la.

+ Chim sâu: Là hình ảnh nhân hóa mẹ, có tình có nghĩa.

+ Chim tu hú: Hình ảnh nhân hóa giục, là người cô.

+ Chim cú mèo: Hình ảnh nhân hóa là bác, nhấp nhem, buồn ngủ.

+ Mặt trời: Hành động nhân hóa là rúc.

+ Con bò: Hình ảnh nhân hóa thấy, ngỡ, chào.

b. Em thích hình ảnh nhân hóa nào? Vì sao?

- Em thích hình ảnh nhân hóa con bò.

- Vì con bò không nhận ra cái bóng của mình, chi tiết rất tinh nghịch và đáng yêu.

2. Sử dụng biện pháp nhân hóa, thay ngôi sao bằng lời nói của các nhân vật trong đoạn văn dưới đây:

Sáng sớm, tôi ra vườn. Những bông hoa vẫy tay chào đón tôi:

– Chào cô chủ nhỏ, chúc một ngày vui vẻ!

Tôi mỉm cười đáp lại:

– Chào những bé hoa xinh đẹp, cám ơn lời chúc của các em!

3. Sử dụng biện pháp nhân hóa, viết 3 – 4 câu ghi lại lời tự giới thiệu của một đồ vật theo gợi ý: Tên, đặc điểm nổi bật, công dụng…

Xin chào mọi người, mình là cây thước kẻ. Mình có nước da màu đồng, cao 20cm, trên áo mình có những vạch để các bạn nhỏ dựa vào đó đo chiều dài, chiều cao hay độ dày của các vật dụng. Mình cũng giúp các bạn nhỏ kẻ những dòng thẳng hàng trên giấy.

Viết

1. Đọc đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu:

Trong nhà, bố là người gần gũi với em nhất. Những ngày em còn nhỏ, sau giờ làm, bố thường đọc truyện cho em nghe hoặc cùng em vẽ tranh, xếp hình. Khi em lớn hơn một chút, cuối tuần nào bố cũng đưa đi chơi. Khi thì hai bố con đi nhà sách, khi thì đi thăm vườn thú, lúc lại ra ngoại ô. Năm lên bảy tuổi, bố tặng em một chiếc chuông gió có những quả chuông bằng men sứ xanh bóng, điểm hoa văn ngộ nghĩnh, vui tươi. Bố nói rằng bố mong tiếng cười của em mãi trong trẻo như tiếng chuông ngân rung trong gió. Mỗi lần em tự tay làm tặng bố một món quà hay một tấm thiệp xinh xắn, bố vui lắm. Bố ôm em và nở một nụ cười thật tươi. Em luôn mong bố mạnh khỏe để hai bố con có thêm thật nhiều chuyến đi thú vị.

(Nguyên Linh)

a. Câu văn đầu tiên khẳng định điều gì?

Câu văn đầu tiên khẳng định trong nhà, bố là người gần gũi với em nhất.

b. Tìm các việc làm:

– Thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của bố đối với bạn nhỏ.

+ Bố thường đọc truyện cho em nghe.

+ Bố cùng em vẽ tranh, xếp hình.

+ Khi em lớn hơn một chút, cuối tuần nào bố cũng đưa em đi chơi.

+ Khi hai bố con đi nhà sách, khi đi thăm vườn thú, lúc lại ra ngoại ô.

+ Năm lên bảy, bố tặng em chiếc chuông gió men sứ.

+ Luôn mong bạn nhỏ có tiếng cười trong trẻo.

– Nói lên tình cảm của bạn nhỏ đối với bố.

+ Em tự tay làm tặng bố một món quà hay một tấm thiếp xinh xắn.

+ Em luôn mong bố khỏe.

c. Câu cuối đoạn văn nói về điều gì?

Câu cuối đoạn văn nói tỉnh cảm, cảm xúc của bạn nhỏ dành cho bố, bạn nhỏ mong bố luôn khoẻ mạnh để hai bố con có thêm thật nhiều chuyến đi thú vị.

Ghi nhớ: Đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc với một người gần gũi, thân thiết thường có:

1. Câu đầu tiên: Giới thiệu người gần gũi, thân thiết.

2. Các câu tiếp theo: Kể lời nói, việc làm... thể hiện sự gần gũi, thân thiết.

3. Câu cuối: Nêu tình cảm, cảm xúc với người gần gũi, thân thiết.

2. Chia sẻ với bạn tình cảm, cảm xúc của em với một người gần gũi, thân thiết dựa vào gợi ý:

– Giới thiệu người gần gũi, thân thiết: Tên, mối quan hệ với em.

– Tình cảm, cảm xúc của em:

+ Kể về những lời nói, việc làm… của người đó đối với em: Chăm sóc, dạy dỗ.

+ Kể về những lời nói, việc làm… của em đối với người đó: Quan tâm, chăm sóc.

– Mong ước cho người đó: Sức khỏe, niềm vui.

Trong nhà, bà nội là người gần gũi với em nhất. Bà là người chăm sóc em từng miếng ăn, giấc ngủ ngay từ khi em chào đời. Khi em bập bẹ học nói, bà kiên nhẫn dạy em từng câu, từng chữ để nhận biết sự vật xung quanh, bà cũng là người đỡ em từ những bước đi đầu đời. Vì bố mẹ đi làm xa nên suốt thời gian thơ ấu, chỉ có bà làm bạn, dạy dỗ nên em rất thương bà vì tuổi cao mà vẫn phải chăm sóc cháu nhỏ. Em mong sao bà luôn mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi.

Vận dụng

Nói ý nghĩa của việc làm trong các bức tranh dưới đây:

- Ý nghĩa của bức tranh thứ nhất: Các bạn học sinh chăm chỉ đọc sách để tích lũy và nâng cao kiến thức để khi trưởng thành sẽ đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng đất nước.

- Ý nghĩa của bức tranh thứ hai: Trồng cây gây rừng là việc làm hữu ích để góp phần bảo vệ môi trường sống của cộng đồng, xã hội.