Bài 39: Bài tiết nước tiểu
I. TẠO THÀNH NƯỚC TIỂU
- Sự tạo thành nước tiểu diễn ra ở các đơn vị chức năng của thận.
- Quá trình tạo thành nước tiểu gồm 3 quá trình:
+ Quá trình lọc máu ở cầu thận: máu tới cầu thận với áp lực lớn tạo lực đẩy nước và các chất hòa tan có kích thước nhỏ qua lỗ lọc (30-40 angtron) trên vách mao mạch vào nang cầu thận (các tế bào máu và prôtêin có kích thước lớn nên không qua lỗ lọc). Kết quả tạo ra nước tiểu đầu trong nang cầu thận.
+ Quá trình hấp thụ lại ở ống thận: nước tiểu đầu được hấp thụ lại nước và các chất cần thiết (chất dinh dưỡng, các ion cần cho cơ thể...).
+ Quá trình bài tiết tiếp (ở ống thận): bài tiết tiếp chất thừa, chất thải tạo thành nước tiểu chính thức.
- Sự khác nhau giữa nước tiểu đầu và máu:
+ Nước tiểu đầu: không có các tế bào máu và prôtêin.
+ Máu: có chứa các tế bào máu và prôtêin.
- Sự khác nhau của nước tiểu chính thức và nước tiểu đầu:
+ Nước tiểu đầu: còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có nồng độ các chất hòa tan loãng và các chất cặn bã, chất độc ít hơn nước tiểu chính thức.
+ Nước tiểu chính thức: gần như không còn chứa chất dinh dưỡng, nồng độ các chất hòa tan đậm đặc và chứa nhiều chất cặn bã, các chất độc hơn nước tiểu đầu.
II. THẢI NƯỚC TIỂU
- Mỗi ngày, các cầu thận một người trưởng thành phải lọc khoảng 1.440 lít máu và tạo ra khoảng 170 lít nước tiểu đầu. Nhờ quá trình hấp thu lại sau đó mà chỉ khoảng 1,5 lít nước tiểu chính thức được dẫn xuống bể thận rồi theo ống dẫn nước tiểu xuống bóng đái.
- Chỗ bóng đái thông với ống đái có 2 cơ vòng bịt chặt, cơ nằm ngoài là cơ vân hoạt động theo ý muốn.
- Lượng nước tiểu trong bóng đái lên tới khoảng 200ml sẽ làm căng bóng đái, tăng áp suất trong bóng đái và cảm giác buồn đi tiểu xuất hiện. Nếu cơ vòng mở ra (có sự phối hợp co của cơ bóng đái và cơ bụng), nước tiểu sẽ thoát ra ngoài.
$\Longrightarrow$ Nước tiểu chính thức tạo thành đổ vào bể thận, qua ống dẫn nước tiểu xuống tích trữ ở bóng đái, rồi được thải ra ngoài nhờ hoạt động của cơ vòng ống đái, cơ bóng đái và cơ bụng.