Bài 38: Bài tiết và cấu tạo hệ bài tiết nước tiểu
I. BÀI TIẾT
- Bài tiết là quá trình lọc và thải ra môi trường ngoài các chất cặn bã do hoạt động trao đổi chất của tế bào tạo ra, cùng các chất độc hại và một số chất dư thừa do đưa vào cơ thể quá liều lượng.
- Khi sự bài tiết các sản phẩm thải bị trì trệ bởi một lí do nào đó thì các chất thải (CO2, urê, axit uric...) sẽ bị tích tụ nhiều trong máu, làm biến đổi các tính chất của môi trường trong cơ thể. Lúc đó cơ thể bị nhiễm độc có các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, thậm chí tới mức hôn mê và chết.
- Vai trò của bài tiết là nhằm duy trì tính ổn định của môi trường trong, làm cho cơ thể không bị nhiễm độc, đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường.
- Hoạt động bài tiết do các cơ quan phổi, da, thận đảm nhiệm:
+ Phổi bài tiết khí CO2.
+ Thận là cơ quan bài tiết chủ yếu, thải tới 90% các sản phẩm bài tiết hòa tan trong máu qua nước tiểu.
+ Da đảm nhiệm bài tiết 10% các sản phẩm thải còn lại qua mồ hôi.
II. CẤU TẠO CỦA HỆ BÀI TIẾT NƯỚC TIỂU
- Hệ bài tiết nước tiểu gồm các cơ quan: thận, ống dẫn nước tiểu, bóng đái và ống đái.
- Thận là cơ quan quan trọng nhất của hệ bài tiết nước tiểu.
- Thận có 2 quả, mỗi quả thận chứa khoảng 1 triệu đơn vị chức năng để lọc máu và hình thành nước tiểu.
- Cấu tạo của thận gồm: phần vỏ và phần tủy với các đơn vị chức năng của thận cùng các ống góp, bể thận.
- Mỗi đơn vị chức năng của thận gồm:
+ Cầu thận: thực chất là một búi mao mạch dày đặc;
+ Nang cầu thận: thực chất là một cái túi gồm 2 lớp bao quanh cầu thận;
+ Các ống thận.