Bài 36: Nước

I. THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA NƯỚC

1. Sự phân hủy nước

- Khi cho dòng điện một chiều đi qua nước, trên bề mặt 2 điện cực sẽ sinh ra khí hiđro và khí oxi với tỉ lệ thể tích 2:1 (thể tích khí hiđro bằng 2 lần thể tích khí oxi).

- Phương trình hóa học:

$2\,H_{2}O\,\,\,\, {\overset{điện\,\,phân}{\longrightarrow}} \,\,\,\,2\,H_{2}\,\uparrow \,\, + \,\,O_{2}\,\uparrow$

2. Sự tổng hợp nước

- Khi đốt bằng tia lửa điện, hỗn hợp gồm 4 thể tích $H_{2}$ và $O_{2}$ sẽ chỉ còn 1 thể tích $O_{2}.$ Vậy 1 thể tích oxi đã hóa hợp với 2 thể tích khí hiđro để tạo thành nước:

$2\,H_{2}\,\, + \,\,O_{2}\,\, {\overset{t^o}{\longrightarrow}} \,\,2\,H_{2}O$

3. Kết luận

- Nước là hợp chất tạo bởi 2 nguyên tố oxi $O$ và hiđro $H.$

- Tỉ lệ hóa hợp giữa $H$ và $O:$

+ Về thể tích: $\frac {V_{H_{2}}}{V_{O_{2}}} = \frac {2}{1}$

+ Về khối lượng: $\frac {m_{H_{2}}}{m_{O_{2}}} = \frac {1}{8}$

- Công thức hóa học (CTHH) của nước: $H_{2}O$

II. TÍNH CHẤT CỦA NƯỚC

1. Tính chất vật lí

- Nước là chất lỏng không màu (tuy nhiên lớp nước dày thì có màu xanh da trời), không mùi, không vị.

- Sôi ở $100^{o}C$ (ở áp suất khí quyển là $p=760\,mm\,Hg$), hóa rắn ở $0^{o}C$ thành nước đá và tuyết.

- Khối lượng riêng ở $4^{o}C$ là $1\,g/ml$ (hay $1\,kg/lít$).

- Nước có thể hòa tan được nhiều chất rắn (muối ăn, đường,...), chất lỏng (cồn, axit,...), chất khí $(HCl,\,NH_{3}…).$

2. Tính chất hóa học

a) Tác dụng với kim loại

- Nước có thể tác dụng với một số kim loại ở nhiệt độ thường như $Na,$ $Ca,$ $Ba,$ $K,...$

$2\,Na\,\, + \,\,2\,H_{2}O\,\, \longrightarrow \,\,\underbrace {2\,\mathop {NaOH}\limits_{}^{}}_{\mathop {Bazơ}\limits_{}^{}}\,\, + \,\,H_{2}\,\uparrow$

b) Tác dụng với một số oxit bazơ

- Nước có thể hóa hợp với một số oxit bazơ như $CaO,$ $Na_{2}O,$ $K_{2}O,...$ tạo ra bazơ tương ứng.

$CaO\,\, + \,\,H_{2}O\,\, \longrightarrow \,\,\underbrace {\mathop {Ca(OH)_{2}}\limits_{}^{}}_{\mathop {Bazơ}\limits_{}^{}}$

$\Longrightarrow$ Dung dịch bazơ làm đổi màu quỳ tím thành xanh.

c) Tác dụng với một số oxit axit

- Nước hóa hợp với nhiều oxit axit như $P_{2}O_{5},$ $SO_{2},$ $SO_{3},$ $N_{2}O_{5},...$ tạo thành axit tương ứng.

$P_{2}O_{5}\,\, + \,\,3\,H_{2}O\,\, \longrightarrow \,\,\underbrace {2\,\mathop {H_{3}PO_{4}}\limits_{}^{}}_{\mathop {Axit}\limits_{}^{}}$

$\Longrightarrow$ Dung dịch axit làm đổi màu quỳ tím thành đỏ.

III. VAI TRÒ CỦA NƯỚC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SẢN XUẤT - CHỐNG Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC

- Vai trò của nước trong đời sống và sản xuất:

+ Nước hòa tan nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể sống.

+ Nước tham gia vào nhiều quá trình hóa học quan trọng trong cơ thể người và động vật.

+ Nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống hàng ngày và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải,…

- Thực trạng nước trên Trái Đất:

+ ¾ diện tích Trái Đất là đại dương, biển, hồ, sông ngòi, nên lượng nước trên Trái Đất rất lớn, nhưng phân bố không đồng đều.

+ Lượng nước ngọt rất nhỏ so với lượng nước trên Trái Đất, nhiều nguồn nước ngọt đang bị ô nhiễm nặng do các chất thải sinh hoạt và chất thải công – nông nghiệp.

- Cách chống ô nhiễm nguồn nước:

+ Không vứt rác thải xuống các nguồn nước ao, hồ, kênh rạch, sông, suối,...

+ Xử lí nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp trước khi cho nước thải chảy vào hồ, sông, biển.

$\Longrightarrow$ Trách nhiệm của mỗi cá nhân: cần phải sử dụng tiết kiệm nước và góp phần giữ cho các nguồn nước không bị ô nhiễm.