Bài 33: Các khu vực Châu Phi (tt)
3. Khu vực Nam Phi
a) Khái quát tự nhiên
- Địa hình:
+ Đại bộ phận khu vực Nam Phi là sơn nguyên cao trên 1.000 m;
+ Phần trung tâm trũng xuống tạo thành bồn địa Ca-la-ha-ri.
+ Phần đông nam được nâng lên rất cao tạo thành dãy Đrê-ken-béc cao trên 3.000 m, ăn ra sát biển.
- Khí hậu: Khu vực Nam phi có khí hậu nhiệt đới, riêng phần cực Nam có khí hậu địa trung hải.
+ Phần lớn khu vực Nam Phi có khí hậu nhiệt đới, nhưng ẩm và dịu hơn khu vực Bắc Phi.
+ Phần phía đông, nhờ ảnh hưởng của dòng biển nóng và gió đông nam thổi từ đại dương vào nên thời tiết quanh năm nóng, ẩm và mưa tương đối nhiều.
+ Lượng mưa giảm dần từ đông sang tây.
- Thảm thực vật thay đổi từ đông sang tây theo sự thay đổi của lượng mưa:
+ Trên các đồng bằng duyên hải và sườn núi hướng ra biển có rừng nhiệt đới bao phủ.
+ Càng vào sâu nội địa, lượng mưa giảm, khí hậu khô hạn, rừng nhiệt đới ẩm chuyển sang rừng thưa và xavan.
b) Khái quát kinh tế - xã hội
- Dân cư khu vực Nam Phi gồm nhiều chủng tộc: Nê-grô-it, Môn-gô-lô-it, Ơ-rô-pê-ô-it và người lai.
- Tôn giáo chủ yếu: đạo Thiên Chúa.
- Trước đây, Cộng hòa Nam Phi là quốc gia có chế độ phân biệt chủng tộc nặng nề bậc nhất thế giới.
- Các nước khu vực Nam Phi có trình độ phát triển kinh tế không đồng đều, phát triển nhất là Cộng hòa Nam Phi.
- Cộng hòa Nam Phi là nước công nghiệp phát triển nhất ở châu Phi:
+ Công nghiệp: các ngành chủ đạo gồm khai thác khoáng sản, luyện kim màu, cơ khí, hóa chất…; mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là vàng, uranium, kim cương, crôm…
+ Nông nghiệp: chiếm 1/3 tổng sản phẩm xuất khẩu của Nam Phi, chủ yếu là các loại hoa quả cận nhiệt đới, ngô…