Bài 3: Viết: Viết bài văn phân tích nhân vật trong tách phẩm văn học

- Bài phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học thuộc thể nghị luận văn học. Trong đó người viết đưa ra ý kiến bàn về đặc điểm của nhân vật trong một tác phẩm văn học.

- Yêu cầu:

+ Giới thiệu được nhân vật cần phân tích.

+ Trình bày được ý kiến của người viết về các đặc điểm của nhân vật.

+ Đưa ra lí lẽ rõ ràng, thuyết phục để làm sáng tỏ ý kiến.

+ Đưa ra bằng chứng là các chi tiết, sự việc, lời nói, trích dẫn từ văn bản để làm sáng tỏ lí lẽ.

+ Bố cục:

* Mở bài: giới thiệu nhân vật cần bàn luận và thể hiện ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật.

* Thân bài: giới thiệu về tác giả, tác phẩm để giúp người đọc hiểu thêm về nhân vật cần phân tích. Khẳng định ý kiến về các đặc điểm của nhân vật, đưa ra lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến; các lí lẽ và bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

* Kết bài: khẳng định lại ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật, nêu cảm nghĩ của người viết về nhân vật.

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

1. Bài văn viết về nhân vật nào? Người viết đã trình bày ý kiến về những đặc điểm nào của nhân vật?

Bài văn viết về nhân vật cụ Bơ-mơn trong truyện Chiếc lá cuối cùng của nhà văn Ô-Hen-ri. Người viết đã trình bày ý kiến về đặc điểm nhân vật cụ Bơ-mơn: người họa sĩ già giàu lòng nhân ái, có khát vọng nghệ thuật chân chính, cao đẹp.

2. Khi trình bày lí lẽ, bằng chứng để làm rõ đặc điểm nhân vật cần chú ý điều gì?

- Lí lẽ thuyết phục, xác đáng.

- Bằng chứng xác thực, phong phú.

- Lí lẽ, bằng chứng cần được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

3. Ở phần kết bài, tác giả viết đã trình bày nội dung gì?

Ở phần kết bài, tác giả đã khẳng định lại một lần nữa về phẩm chất, con người cụ Bơ-mơn. Đồng thời, tự rút ra bài học cho bản thân trong cuộc sống.

Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài: Em hãy viết bài văn (khoảng 400 đến 500 chữ) phân tích đặc điểm một nhân vật văn học mà em có ấn tượng sâu sắc.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài:

Đề tài là nhân vật em phân tích, chọn nhân vật có tính cách đa dạng, thú vị; nhân vật có tính cách biến đổi, phát triển trong truyện; nhân vật có vai trò quan trọng trong cốt truyện; nhân vật mang thông điệp sâu sắc.

- Thu thập tư liệu:

Chú ý những chi tiết liên quan tới nhân vật như ngoại hình, lời nói, hành động, suy nghĩ, mối quan hệ với các nhân vật khác.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Tìm ý:

Để khái quát đặc điểm nhân vật, có thể sử dụng những từ ngữ miêu tả tính cách, phẩm chất của nhân vật như: thông minh, nhân hậu, vị tha, có khát vọng chân chính...

- Lập dàn ý:

Chọn đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của nhân vật để lập dàn ý bằng cách sắp xếp, triển khai ý sao cho phù hợp với yêu cầu của đề bài.

+ Mở bài:

* Giới thiệu nhân vật cần phân tích.

* Nêu ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật.

- Thân bài:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

2. Phân tích đặc điểm thứ nhất của nhân vật.

+ Ý kiến về đặc điểm thứ nhất của nhân vật.

+ Lí lẽ.

+ Bằng chứng.

3. Phân tích đặc điểm thứ hai của nhân vật.

+ Ý kiến về đặc điểm thứ hai của nhân vật.

+ Lí lẽ.

+ Bằng chứng.

- Kết bài:

+ Khẳng định lại ý kiến của người viết.

+ Nêu cảm nghĩ về nhân vật.

Dàn ý cần đảm bảo các yếu tố của văn nghị luận:

+ Lí lẽ (là lí giải của người viết cho đặc điểm của nhân vật cần phân tích) cần thuyết phục, xác đáng.

+ Bằng chứng (là những chi tiết, sự việc, lời nói, ngôn ngữ, trích dẫn… từ truyện) cần xác thực, phong phú.

+ Các lí lẽ, bằng chứng cần được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

Bước 3: Viết bài

- Đề bài mạch lạc, rõ ràng, cần có những câu văn nêu rõ ý kiến của người viết và sử dụng từ có chức năng chuyển ý.

- Có thể trao đổi với những ý kiến khác về nhân vật để tạo sự hấp dẫn cho bài viết.

- Khi triển khai bằng chứng, cần tránh kể lại truyện, chú ý phân tích, nêu ý nghĩa của bằng chứng.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

- Xem lại và chỉnh sửa: Đọc lại và chỉnh sửa bài viết dựa vào gợi ý (SGK Ngữ văn 7, tập một, tr. 72).

- Rút kinh nghiệm.