Bài 3: Cuộc phản công ở kinh thành Huế

1. Cuộc phản công ở kinh thành Huế.

- Năm 1884, triều đình Huế kí hiệp ước công nhận quyền đô hộ của thực dân Pháp trên toàn bộ nước ta nhưng nhân dân không chịu khuất phục. Trong triều đình chia làm hai phái, phái chủ hòa chủ trương thương thuyết với Pháp và phái chủ chiến (đại diện là Tôn Thất Thuyết) chủ trương cùng nhân dân chiến đấu chống Pháp. Để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, Tôn Thất Thuyết cho lập các căn cứ ở vùng núi từ Quảng Trị đến Thanh Hóa. Ông còn lập các đội nghĩa binh ngày đêm luyện tập, sẵn sàng đánh Pháp.

- Khi biết tin Tôn Thất Thuyết chuẩn bị chống Pháp, tướng Pháp kéo quân từ Bắc Kì vào Huế, mời Tôn Thất Thuyết đến giả vờ họp để bắt ông nhưng ông cáo bệnh, tướng Pháp yêu cầu bị bệnh cũng phải có mặt.

- Trước sự uy hiếp của kẻ thù, Tôn Thất thuyết quyết nổ súng trước để giành thế chủ động. Rạng sáng 5/7/1885, lực lượng của ta tấn công đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ Pháp.

- Quân Pháp bối rối vì bị đánh bất ngờ nhưng nhờ có ưu thế về vũ khí nên chúng cố thủ và đến gần sáng thì đánh trả. Quân Pháp tiến vào kinh thành bắn phá, trước tình hình đó, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lên vùng rừng núi Quảng Trị để tiếp tục kháng chiến.

2. Chiếu Cần vương có tác dụng gì?

- Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, ra Chiếu Cần vương kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên giúp vua cứu nước.

- Từ đó một phong trào chống Pháp bùng lên mạnh mẽ trong cả nước, đó là phong trào Cần vương mà tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa: Ba Đình (Thanh Hóa) do Phạm Bành – Đinh Công Tráng lãnh đạo; Bãi Sậy (Hưng Yên) do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo, Hương Khê (Hà Tĩnh) do Phan Đình Phùng lãnh đạo.