Bài 29: Dân cư, xã hội Châu Phi

1. Lịch sử và dân cư

a) Sơ lược lịch sử

- Châu Phi là một trong những cái nôi của loài người.

- Vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập đã xây dựng ở đây nền văn minh sông Nin rực rỡ.

- Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX, châu Phi bị thực dân châu Âu xâm nhập và chiếm thuộc địa.

- Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, gần như toàn bộ châu Phi bị chiếm làm thuộc địa, các nước châu Phi bị kìm hãm trong nghèo nàn và lạc hậu.

- Từ những năm 60 của thế kỉ XX, các nước châu Phi lần lượt giành độc lập.

b) Dân cư

- Dân cư châu Phi phân bố không đều:

+ Dân số tập trung chủ yếu ở vùng ven sông Nin, đây là vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu với mật độ trên 50 người/km2.

+ Tiếp đến là khu vực ven vịnh Ghi-nê, lưu vực sông Ni-giê, quanh hồ Vic-to-ri-a với môi trường xích đạo ẩm, lượng mưa khá lớn, có nhiều thành phố trên 5 triệu dân, mật độ dân số từ 21 đến 50 người/km2.

+ Khu vực miền núi At-lat và đại bộ phận lãnh thổ vùng trung và đông Phi có mật độ dân số từ 2 đến 20 người/km2, đây là khu vực tập trung nhiều rừng thưa và xavan cây bụi trên các bồn địa, sơn nguyên rộng lớn.

+ Dân cư thưa thớt nhất: hoang mạc Xa-ha-ra, hoang mạc Na-mip và hoang mạc Ca-la-ha-ri với mật độ dân số dưới 2 người/km2; đây là vùng có điều kiện sinh sống khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, dân cư chỉ sống trong các ốc đảo, các đô thị rất ít, quy mô lại nhỏ.

$\Longrightarrow $ Đa số dân cư sống ở nông thôn. Các thành phố có trên 1 triệu dân thường tập trung ở ven biển, là các thành phố cảng.

2. Sự bùng nổ dân số và xung đột tộc người ở châu Phi

a) Bùng nổ dân số

- Châu Phi có 818 triệu dân (2001), chiếm 13,4% dân số thế giới.

- Tỉ lệ gia tăng tự nhiên của châu Phi vào loại cao nhất thế giới (2,4%).

- Bùng nổ dân số quá nhanh trong khi nền kinh tế còn yếu kém đã gây ra nhiều vấn đề về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm; cộng thêm hạn hán triền miên, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, đã làm cho hàng chục triệu người ở châu Phi thường xuyên bị nạn đói đe dọa.

- Đại dịch AIDS cũng đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội ở châu Phi (hơn 25 triệu người nhiễm HIV/AIDS vào năm 2000, trong đó phần lớn là những người ở độ tuổi lao động).

b) Xung đột tộc người

- Xung đột tộc người ở châu Phi, dẫn đến xung đột biên giới và nội chiến trong nước liên miên.

- Nguyên nhân:

+ Do có nhiều tộc người, khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tôn giáo… $\longrightarrow$ thực dân châu Âu đã lợi dụng điều này để thực hiện chính sách chia để trị $\longrightarrow$ khắc sâu thêm những xung đột sắc tộc.

+ Chính quyền ở nhiều nước thường nằm trong tay thủ lĩnh của một vài tộc người, càng làm tăng mâu thuẫn giữa các tộc người trong từng nước và giữa các nước láng giềng với nhau dẫn đến những cuộc nội chiến liên miên $\longrightarrow$ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội và tạo cơ hội để nước ngoài can thiệp.

+ Nền kinh tế của nhiều nước châu Phi vẫn là tự cấp tự túc. Việc trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa còn quá ít, khiến sự ngăn cách giữa các bộ tộc càng thêm nặng nề.

$\Longrightarrow $ Bùng nổ dân số, xung đột tộc người, đại dịch AIDS và sự can thiệp của nước ngoài là những nguyên nhân chủ yếu kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội ở châu Phi.