Bài 27: Tiêu hóa ở dạ dày

I. CẤU TẠO DẠ DÀY

- Dạ dày có hình túi thắt 2 đầu, dung tích tối đa khoảng 3 lít.

- Thành dạ dày có cấu tạo gồm 4 lớp:

+ Lớp màng bọc ngoài;

+ Lớp cơ rất dày và khỏe, gồm 3 lớp từ ngoài vào trong là cơ dọc, cơ vòng và cơ chéo;

+ Lớp dưới niêm mạc;

+ Lớp niêm mạc có nhiều tuyến tiết dịch vị.

II. TIÊU HÓA Ở DẠ DÀY

- Các thí nghiệm cho thấy bất cứ vật gì chạm vào lưỡi hay niêm mạc dạ dày đều có tác dụng gây phản xạ tiết dịch vị.

- Kết quả phân tích hóa học cho thấy thành phần dịch vị gồm:

+ Nước chiếm 95%

+ Các chất còn lại chiếm 5% gồm: enzim pepsin, axit clohiđric (HCl), chất nhày.

- Hoạt động biến đổi thức ăn ở dạ dày gồm 2 quá trình:

+ Biến đổi lí học: dạ dày tiết dịch vị, kết hợp sự co bóp mạnh làm nhuyễn và đảo trộn thức ăn cho thấm đều dịch vị.

+ Biến đổi hóa học: Hoạt động của enzim pepsin phân cắt một phần prôtêin chuỗi dài thành các chuỗi ngắn gồm 3 – 10 axit amin; Các loại thức ăn khác như lipit, gluxit… chỉ biến đổi về mặt lí học.

- Thời gian thức ăn được tiêu hóa trong dạ dày từ 3 – 6 tiếng tùy loại thức ăn, sau đó thức ăn được đẩy dần từng đợt xuống ruột non.