Bài 27. Thực hành: Quan sát thường biến

I. MỤC TIÊU

- Nhận biết được một số thường biến phát sinh ở các đối tượng trước tác động trực tiếp của điều kiện sống.

- Phân biệt được sự khác nhau giữa thường biến và đột biến.

- Qua tranh ảnh và mẫu vật sống, rút ra được:

+ Tính trạng chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào kiểu gen.

+ Tính trạng số lượng chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường.

II. CHUẨN BỊ

- Tranh ảnh minh họa thường biến.

- Ảnh chụp chứng minh thường biến là biến dị không di truyền được.

- Ảnh chụp minh họa ảnh hưởng khác nhau của cùng một điều kiện môi trường đối với tính trạng số lượng và tính trạng chất lượng.

- Các mẫu vật thí nghiệm.

III. TIẾN HÀNH

- Quan sát và nhận biết các thường biến trên các tranh ảnh minh họa.

- Quan sát và phân tích sơ đồ minh họa thường biến không di truyền được.

- Quan sát đặc điểm biến đổi đồng loạt theo cùng một hướng của thường biến.

- Quan sát, so sánh mẫu vật.

- Nhận xét về ảnh hưởng khác nhau của cùng một điều kiện môi trường đối với tính trạng chất lượng và số lượng.

IV. THU HOẠCH

- Ghi nhận xét về ảnh hưởng của môi trường đối với tính trạng số lượng và tính trạng chất lượng.

- Ghi nhận xét về sự khác nhau giữa thường biến và đột biến.

$\Longrightarrow$ Ghi nhớ

1. Khái niệm: Thường biến là những biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gen, phát sinh trong đời sống cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường.

2. Phân biệt thường biến và đột biến

* Thường biến:

+ Là những biến đổi kiểu hình, không biến đổi kiểu gen nên không di truyền được.

+ Phát sinh đồng loạt theo cùng 1 hướng tương ứng với điều kiện môi trường, có ý nghĩa thích nghi nên có lợi cho bản thân sinh vật.

* Đột biến:

+ Là những biến đổi trong vật chất di truyền (NST, ADN) nên di truyền được.

+ Xuất hiện với tần số thấp, ngẫu nhiên, cá biệt, thường có hại cho bản thân sinh vật.