Bài 27: Đa dạng và đặc điểm chung của lớp sâu bọ

Lớp Sâu bọ có số loài phong phú nhất trong giới Động vật (khoảng gần một triệu loài) gấp 2 – 3 lần số loài của các động vật còn lại. Hằng năm con người lại phát hiện thêm nhiều loài mới nữa. Sâu bọ phân bố khắp nơi trên Trái Đất. Hầu hết chúng có thể bay và trong quá trình phát triển có biến thái, cơ thể lột xác thay đổi hình dạng nhiều lần cho đến khi trưởng thành.

I. MỘT SỐ ĐẠI DIỆN SÂU BỌ KHÁC

- Một số đại diện sâu bọ thường gặp như dế, ve sầu, bọ ngựa, chuồn chuồn, ong, bướm, ruồi, muỗi…

- Sâu bọ phân bố rộng khắp các môi trường trên Trái Đất như: dưới nước, trên cạn, sống tự do và kí sinh. Ở đâu cũng gặp rất nhiều sâu bọ, đặc biệt là ở thiên nhiên nhiệt đới.

$\Longrightarrow$ Sâu bọ rất đa dạng:

+ Chúng có số lượng loài lớn.

+ Môi trường sống đa dạng.

+ Có lối sống và tập tính phong phú thích nghi với nhiều điều kiện sống khác nhau.

II. ĐẶC ĐIỂM CHUNG VÀ VAI TRÒ THỰC TIỄN

1. Đặc điểm chung

- Các đặc điểm chung nổi bật của sâu bọ là:

+ Cơ thể sâu bọ có ba phần: đầu, ngực, bụng.

+ Phần đầu có 1 đôi râu, phần ngực có 3 đôi chân và 2 đôi cánh.

+ Sâu bọ hô hấp bằng hệ thống ống khí.

- Ngoài ra, sâu bọ còn có một số đặc điểm khác:

+ Vỏ cơ thể bằng kitin vừa là bộ xương ngoài vừa là chiếc áo ngụy trang của chúng.

+ Thần kinh phát triển cao, hình thành não là cơ sở của các tập tính và hoạt động bản năng.

+ Sâu bọ có đủ 5 giác quan: xúc giác, khứu giác, vị giác, thính giác và thị giác.

+ Sâu bọ có nhiều hình thức phát triển biến thái khác nhau.

+ Sâu bọ có tuần hoàn hở, tim hình ống, nhiều ngăn nằm ở mặt lưng.

2. Vai trò thực tiễn

- Sâu bọ có vai trò quan trọng trong thiên nhiên và trong đời sống con người.

- Một số sâu bọ rất có ích. Thời cổ, người Ai Cập đã coi tổ ong mật như một xưởng bào chế dược phẩm. Nước ta có nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa từ lâu đời.

- Những lợi ích thực tiễn của sâu bọ:

+ Làm thuốc chữa bệnh: ong mật, tằm,…

+ Dùng làm thực phẩm và thức ăn cho động vật khác: ong mật, tằm,…  

+ Thụ phấn cho cây trồng, diệt các sâu bọ có hại: các loài ong, kiến vàng…

- Tuy thế, một số lượng lớn sâu bọ phá hại cây trồng đáng kể, có thể làm giảm tới 20% sản lượng thu hoạch hằng năm. Một số tác hại của sâu bọ như:

+ Là động vật trung gian truyền bệnh: ruồi, muỗi,…

+ Gây hại cho cây trồng và các công trình xây dựng bằng gỗ: mọt hại gỗ, châu chấu…