Bài 26: Hiệu điện thế giữa hai đầu dụng cụ dùng điện
I. HIỆU ĐIỆN THẾ GIỮA HAI ĐẦU DỤNG CỤ DÙNG ĐIỆN
- Trong một mạch điện kín, hiệu điện thế giữa hai đầu vật dẫn tạo ra dòng điện chạy qua vật dẫn đó.
- Đối với một vật dẫn nhất định (bóng đèn, nồi cơm điện, bàn là điện...) nếu hiệu điện thế giữa hai đầu vật dẫn càng lớn thì cường độ dòng điện chạy qua vật dẫn đó càng lớn.
$\bullet \,\,$ Lưu ý:
+ Khi hiệu điện thế giữa hai đầu bóng đèn bằng 0 thì không có dòng điện chạy qua nó.
+ Giữa hai đầu các cực của nguồn điện dù khi mạch hở hay mạch kín đều có hiệu điện thế.
II. HIỆU ĐIỆN THẾ ĐỊNH MỨC
- Số vôn ghi trên mỗi dụng cụ dùng điện cho biết giá trị hiệu điện thế định mức của dụng cụ đó. Hiệu điện thế định mức là hiệu điện thế lớn nhất mà dụng cụ đó có thể chịu đựng được.
- Mỗi dụng cụ dùng điện sẽ hoạt động bình thường khi được sử dụng đúng hiệu điện thế định mức của nó. Nếu quá mức thì dụng cụ điện sẽ hỏng, chẳng hạn như dây tóc bóng đèn sẽ bị đứt.
$\bullet \,\,$ Lưu ý:
+ Về nguyên tắc, cần phải sử dụng hiệu điện thế định mức đã quy định cho mỗi dụng cụ điện. Tuy nhiên, các dụng cụ đốt nóng bằng điện (như bóng đèn dây tóc, bếp điện, bàn là,…) vẫn có thể hoạt động (dưới mức bình thường) với hiệu điện thế nhỏ hơn hiệu điện thế định mức.
+ Đặc biệt cần lưu ý: nếu sử dụng hiệu điện thế nhỏ hơn hiệu điện thế định mức của các động cơ điện (như quạt điện, máy bơm nước, tủ lạnh,…) và các thiết bị điện tử (như radio, tivi, máy tính,…) thì có thể gây hư hỏng cho các dụng cụ và thiết bị điện này.
$\longrightarrow$ Vì vậy người ta thường dùng một dụng cụ gọi là ổn áp có tác dụng điều chỉnh để luôn có hiệu điện thế bằng hiệu điện thế định mức.
III. VẬN DỤNG
C6
Trong những trường hợp nào dưới đây có hiệu điện thế bằng không (không có hiệu điện thế)?
A. Giữa hai đầu bóng đèn đang sáng;
B. Giữa hai cực của pin còn mới;
C. Giữa hai đầu của bóng đèn pin được tháo rời khỏi đèn pin;
D. Giữa hai cực của acquy đang thắp sáng đèn của xe máy.
Trả lời:
- Giữa hai đầu của bóng đèn pin được tháo rời khỏi đèn pin có hiệu điện thế bằng không (không có hiệu điện thế).
$\Longrightarrow$ Chọn đáp án C.
C7
Cho mạch điện có sơ đồ như hình 26.4.
Biết rằng khi công tắc đóng thì đèn sáng. Hỏi khi công tắc ngắt thì giữa hai điểm nào có hiệu điện thế (khác không)?
A. Giữa hai điểm A và B;
B. Giữa hai điểm E và C;
C. Giữa hai điểm D và E;
D. Giữa hai điểm A và D.
Trả lời:
- Khi công tắc ngắt hay khóa K mở thì lúc này chỉ giữa hai đầu nguồn điện có hiệu điện thế tức là giữa hai điểm A và B. Ta thấy, điểm B nối cực $(+)$ và điểm A nối với cực $(-)$ của nguồn điện nên khi ngắt công tắc và đặt vôn kế vào hai đầu A, B sẽ tạo ra sự chênh lệch về điện thế giữa hai điểm A, B.
$\Longrightarrow$ Chọn đáp án A.
C8
Vôn kế trong sơ đồ nào trong hình 26.5 có số chỉ khác không?
Trả lời:
- Vôn kế trong sơ đồ C có số chỉ khác không. Vì chốt $(+)$ và chốt $(-)$ của vôn kế lần lượt được nối đúng với cực $(+)$ và cực $(-)$ của nguồn điện bằng dây dẫn không bị ngắt mạch.
$\Longrightarrow$ Đáp án là hình C.