Bài 25: Tiêu hóa ở khoang miệng
I. TIÊU HÓA Ở KHOANG MIỆNG
- Cấu tạo khoang miệng gồm: răng, lưỡi, tuyến nước bọt.
- Khi thức ăn được đưa vào trong miệng sẽ diễn ra các hoạt động sau:
+ Tiết nước bọt
+ Nhai
+ Đảo trộn thức ăn
+ Hoạt động của enzim (men) amilaza trong nước bọt
+ Tạo viên thức ăn
- Tiêu hóa ở khoang miệng gồm:
+ Biến đổi lí học: nhờ hoạt động phối hợp của răng, lưỡi, các cơ môi và má cùng các tuyến nước bọt thực hiện các hoạt động tiết nước bọt, nhai, đảo trộn thức ăn, tạo viên thức ăn: làm mềm thức ăn, giúp thức ăn thấm nước bọt, tạo viên vừa để nuốt.
+ Biến đổi hóa học: hoạt động của enzim amilaza trong nước bọt biến đổi một phần tinh bột (chín) trong thức ăn thành đường mantôzơ.
$\Longrightarrow$ Hoạt động biến đổi thức ăn ở khoang miệng:
Biến đổi thức ăn ở khoang miệng | Các hoạt động tham gia | Các thành phần tham gia hoạt động | Tác dụng của hoạt động |
Biến đổi lí học | - Tiết nước bọt - Nhai - Đảo trộn thức ăn - Tạo viên thức ăn | - Các tuyến nước bọt - Răng - Lưỡi - Các cơ môi và má | - Làm mềm, nhuyễn thức ăn, giúp thức ăn thấm nước bọt, tạo viên vừa để nuốt. |
Biến đổi hóa học | - Hoạt động của enzim amilaza trong nước bọt. | - Enzim amilaza | - Biến đổi một phần tinh bột trong thức ăn thành đường mantôzơ. |
II. NUỐT VÀ ĐẨY THỨC ĂN QUA THỰC QUẢN
- Khi viên thức ăn được tạo ra và thu gọn trên mặt lưỡi thì phản xạ nuốt mới bắt đầu.
- Nhờ hoạt động của lưỡi thức ăn được đẩy xuống thực quản.
- Thức ăn từ thực quản xuống dạ dày là nhờ hoạt động của các cơ thực quản (cơ trơn).
- Thời gian thức ăn qua thực quản ngắn (2-4s) nên coi như thức ăn không bị biến đổi về mặt hóa học.