Bài 25. Thường biến
I. SỰ BIẾN ĐỔI KIỂU HÌNH DO TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG
1. Khái niệm
- Thường biến là những biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gen, phát sinh trong đời sống cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường.
2. Phân biệt thường biến và đột biến
* Thường biến:
+ Là những biến đổi kiểu hình, không biến đổi kiểu gen nên không di truyền được.
+ Phát sinh đồng loạt theo cùng một hướng tương ứng với điều kiện môi trường, có ý nghĩa thích nghi nên có lợi cho bản thân sinh vật.
* Đột biến:
+ Là những biến đổi trong vật chất di truyền (NST, ADN) nên di truyền được.
+ Xuất hiện với tần số thấp, ngẫu nhiên, cá biệt, thường có hại cho bản thân sinh vật.
II. MỐI QUAN HỆ GIỮA KIỂU GEN, MÔI TRƯỜNG VÀ KIỂU HÌNH
- Bố mẹ không truyền cho con những tính trạng có sẵn mà truyền một kiểu gen quy định cách phản ứng trước môi trường.
- Kiểu hình (tập hợp các tính trạng) là kết quả tương tác giữa kiểu gen và môi trường.
- Các tính trạng chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào kiểu gen, thường ít chịu ảnh hưởng của môi trường. Còn các tính trạng về số lượng chịu ảnh hưởng bởi môi trường.
III. MỨC PHẢN ỨNG
- Mức phản ứng là giới hạn thường biến của một kiểu gen trước những biến đổi của môi trường.
- Mức phản ứng do kiểu gen quy định.
- Ứng dụng: Muốn tăng năng suất vật nuôi cây trồng cần chọn, tạo những giống có kiểu gen có mức phản ứng rộng.