Bài 25: Nhện và sự đa dạng của lớp hình nhện
Lớp Hình nhện đã biết khoảng 36 nghìn loài là các chân khớp ở cạn đầu tiên. Chúng thích sống nơi hang hốc, rậm rạp và hoạt động chủ yếu về đêm.
I. NHỆN
1. Đặc điểm cấu tạo
- Cơ thể nhện gồm: phần đầu – ngực và phần bụng.
- Phần đầu – ngực giữ chức năng tấn công, định hướng và di chuyển, gồm các bộ phận:
+ Đôi kìm có tuyến độc: bắt mồi và tự vệ.
+ Đôi chân xúc giác (phủ đầy lông): cảm giác về khứu giác và xúc giác.
+ 4 đôi chân bò: di chuyển và chăng lưới.
- Phần bụng có nội quan, cơ quan hô hấp, cơ quan sinh sản, cơ quan chăng tơ:
+ Phía trước là đôi khe thở: vai trò hô hấp.
+ Ở giữa là 1 lỗ sinh dục: vai trò sinh sản.
+ Phía sau là các núm tuyến tơ: sản sinh ra tơ nhện.
2. Tập tính
a) Chăng lưới
- Nhện chăng lưới gồm các bước theo thứ tự dưới đây:
1. Chăng bộ khung lưới (các dây tơ khung) (C).
2. Chăng tơ phóng xạ (B).
3. Chăng các tơ vòng (D).
4. Nhện nằm ở trung tâm lưới để chờ mồi (A).
b) Bắt mồi
- Khi rình mồi, nếu có sâu bọ sa lưới, lập tức nhện hành động như sau:
1. Nhện ngoạm chặt mồi, chích nọc độc.
2. Tiết dịch tiêu hóa vào cơ thể mồi.
3. Trói chặt mồi rồi treo vào lưới để một thời gian.
4. Nhện hút dịch lỏng ở con mồi.
$\Longrightarrow$ Nhện có tập tính chăng lưới săn bắt mồi sống và hoạt động chủ yếu vào ban đêm.
II. SỰ ĐA DẠNG CỦA LỚP HÌNH NHỆN
1. Một số đại diện
Giới thiệu một số đại diện khác của lớp Hình nhện như: bọ cạp, cái ghẻ, ve bò, nhện đỏ hại bông, con mò, bọ mạt, nhện lông…
2. Ý nghĩa thực tiễn
- Nhện là đại diện của lớp Hình nhện, đa số nhện đều có lợi vì chúng săn bắt sâu bọ có hại.
- Trừ một số đại diện có hại như:
+ Cái ghẻ: gây bệnh ghẻ ở người.
+ Ve bò: sống ở lông, da trâu, bò, hút máu động vật và người.