Bài 23: Bài luyện tập 4
KIẾN THỨC CẦN NHỚ
1. Mol
- Mol là lượng chất có chứa $6 \times 10^{23}$ nguyên tử hoặc phân tử của chất đó.
- Con số $6 \times 10^{23}$ gọi là số Avogađro và được kí hiệu là $N.$
Ví dụ:
- 1 mol nguyên tử $Cu$ chứa $1\,N$ nguyên tử $Cu$ hay $6 \times 10^{23}$ nguyên tử $Cu$
- 1,5 mol nguyên tử $H$ chứa $1,5\,N$ nguyên tử $H$ hay $9 \times 10^{23}$ nguyên tử $H$
- 2 mol phân tử $H_{2}$ chứa $2\,N$ phân tử $H_{2}$ hay $12 \times 10^{23}$ phân tử $H_{2}$
- 0,15 mol phân tử $H_{2}O$ chứa $0,15\,N$ phân tử $H_{2}O$ hay $0,9 \times 10^{23}$ phân tử $H_{2}O$
2. Khối lượng mol
- Khối lượng mol (kí hiệu là $M$) của một chất là khối lượng tính bằng gam của $N$ nguyên tử hoặc phân tử chất đó.
Kí hiệu: $M$
Đơn vị: $g/mol$
Ví dụ:
- Khối lượng mol nguyên tử của hiđro là 1 g/mol, có nghĩa là: khối lượng của $N$ nguyên tử hiđro hay $6 \times 10^{23}$ nguyên tử $H$ là 1 g. Kí hiệu là $M_{H} = 1\,g/mol$
- Khối lượng mol phân tử của hiđro là 2 g/mol, có nghĩa là: khối lượng của $N$ phân tử hiđro hay $6 \times 10^{23}$ phân tử $H_{2}$ là 2 g. Kí hiệu là $M_{H_{2}} = 2\,g/mol$
- Khối lượng mol của nước là 18 g/mol, có nghĩa là: khối lượng của $N$ phân tử nước hay $6 \times 10^{23}$ phân tử $H_{2}O$ là 18g. Kí hiệu là $M_{H_{2}O} = 18\,g/mol$
- Khối lượng 1,5 mol nước là 27 g, có nghĩa là: khối lượng của $1,5\,N$ phân tử nước hay $9 \times 10^{23}$ phân tử $H_{2}O$ là 27 g.
3. Thể tích mol chất khí
- Thể tích mol của chất khí là thể tích chiếm bởi $N$ phân tử của chất khí đó.
- Một mol của bất kì chất khí nào, trong cùng điều kiện về nhiệt độ và áp suất, đều chiếm những thể tích bằng nhau.
- Ở điều kiện tiêu chuẩn (đktc: 0oC và 1 atm), thể tích 1 mol của các chất khí đều bằng 22,4 lít.
Ví dụ: Ở đktc, $V_{H_{2}} = V_{O_{2}} = V_{CO_{2}} = 22,4\,lít$
- Ở điều kiện bình thường (20oC và 1 atm), 1 mol chất khí có thể tích là 24 lít.
Sơ đồ chuyển đổi giữa lượng chất (số mol) – khối lượng chất – thể tích chất khí (đktc):
4. Tỉ khối của chất khí
a) So sánh tỉ khối của khí A với khí B:
Để biết khí A nặng hay nhẹ hơn khí B bao nhiêu lần, ta so sánh khối lượng mol của khí A với khối lượng mol của khí B.
$\bullet \,\,$ Công thức:
$d_{A/B} = \frac {M_{A}}{M_{B}}$
$d_{A/B}:$ là tỉ khối của khí A đối với khí B
$M_{A}:$ là khối lượng mol khí A
$M_{B}:$ là khối lượng mol khí B
$\bullet \,\,$Ghi nhớ:
$d_{A/B} > 1$ $\Longrightarrow$ khí A nặng hơn khí B
$d_{A/B} = 1$ $\Longrightarrow$ khí A bằng khí B
$d_{A/B} < 1$ $\Longrightarrow$ khí A nhẹ hơn khí B
b) So sánh tỉ khối của khí A với không khí:
Để biết khí A nặng hay nhẹ hơn không khí bao nhiêu lần, ta so sánh khối lượng mol của khí A với khối lượng mol không khí là $29\,g/mol$
$\bullet \,\,$ Công thức:
$d_{A/kk} = \frac {M_{A}}{29}$
$d_{A/kk}:$ là tỉ khối của khí A đối với không khí
$M_{A}:$ là khối lượng mol khí A
Khối lượng mol không khí là khối lượng của 0,8 mol khí nitơ (N2) + khối lượng của 0,2 mol khí oxi (O2):
$M_{kk} = (28 \times 0,8) + (32 \times 0,2) \approx 29\,(g/mol)$
$\bullet \,\,$ Ghi nhớ 1:
$d_{A/kk} > 1$ $\Longrightarrow$ khí A nặng hơn không khí
$d_{A/kk} = 1$ $\Longrightarrow$ khí A bằng không khí
$d_{A/kk} < 1$ $\Longrightarrow$ khí A nhẹ hơn không khí
$\bullet \,\,$ Ghi nhớ 2:
Từ công thức: $d_{A/kk} = \frac {M_{A}}{29}$
$\Longrightarrow \,\,M_{A} = 29 \times d_{A/kk}$