Bài 22. Sự suy yếu của nhà nước phong kiến tập quyền (thế kỉ XVI - XVIII)
I. TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
1. Triều đình nhà Lê.
- Thời Lê sơ (thế kỉ XV) là thời kì thịnh trị của nhà nước phong kiến tập quyền. Nhưng từ đầu thế kỉ XVI, nhà Lê bắt đầu suy thoái. Vua quan ăn chơi xa xỉ, xây dựng lâu đài cung điện tốn kém.
- Nội bộ triều Lê phân phe phái, tranh giành quyền lực. Dưới triều Lê Uy Mục, quý tộc ngoại thích nắm hết quyền bính, giết hại công thần tôn thất nhà Lê. Dưới triều Lê Tương Dực, tướng Trịnh Duy Sản gây thành phe phái mới, đánh giết nhau liên miên hơn 10 năm.
2. Phong trào khởi nghĩa của nông dân ở đầu thế kỉ XVI.
- Nhân khi triều đình rối loạn, quan lại ở địa phương ức hiếp dân, đời sống nhân dân lâm vào cảnh lầm than.
+ Năm 1512 đại hạn, trong nước đói to.
+ Năm 1517, dân chết đói chồng chất, nhiều huyện thuộc hai trấn Hải Dương và Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) nạn đói càng dữ dội.
- Mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, giữa nhân dân với nhà nước phong kiến trở nên gay gắt, làm bùng nổ các cuộc khởi nghĩa.
+ Từ năm 1511, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở nhiều nơi trong nước; khởi nghĩa Trần Tuân (cuối năm 1511) ở Sơn Tây (Hà Nội) có hàng vạn người tham gia đã từng tiến về Từ Liêm (Hà Nội) uy hiếp kinh thành Thăng Long.
+ Khởi nghĩa Lê Hy, Trịnh Hưng (năm 1512) ở Nghệ An và phát triển ra Thanh Hóa.
+ Khởi nghĩa Phùng Chương (năm 1515) ở vùng núi Tam Đảo...
- Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Trần Cảo đầu năm 1516 ở Đông Triều (Quảng Ninh). Nghĩa quân ba lần tấn công Thăng Long, có lần chiếm được kinh thành, vua quan nhà Lê phải chạy vào Thanh Hóa.
- Các cuộc khởi nghĩa trước sau đều bị dập tắt nhưng đã góp phần làm cho triều đình nhà Lê càng mau chóng sụp đổ.
II. CÁC CUỘC CHIẾN TRANH NAM – BẮC TRIỀU VÀ TRỊNH NGUYỄN
1. Chiến tranh Nam – Bắc triều.
- Triều đình nhà Lê càng suy yếu thì sự tranh chấp giữa các phe phái phong kiến càng diễn ra quyết liệt.
- Mạc Đăng Dung vốn là một võ quan. Lợi dụng xung đột giữa các phe phái đã tiêu diệt các thế lực đối lập, thâu tóm mọi quyền hành, cương vị như Tể tướng. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc.
- Năm 1533, một võ quan triều Lê là Nguyễn Kim chạy vào Thanh Hóa, lập một người thuộc dòng dõi nhà Lê lên làm vua. Sử cũ gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều (nhà Mạc ở phía bắc).
- Hai tập đoàn phong kiến đánh nhau liên miên, dai dẳng hơn 50 năm. Suốt một vùng từ Thanh – Nghệ ra Bắc đều là chiến trường. Làng mạc điêu tàn, xơ xác. Mãi đến năm 1592, Nam triều chiếm được Thăng Long, họ Mạc chạy lên Cao Bằng, chiến tranh Nam – Bắc triều mới chấm dứt.
2. Chiến tranh Trịnh – Nguyễn và sự chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài.
- Năm 1545, Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm lên thay nắm toàn bộ binh quyền. Người con thứ của nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam.
- Đầu thế kỉ XVII, cuộc chiến tranh giữa hai thế lực bùng nổ.
- Trong gần nửa thế kỉ (từ năm 1627 - 1672), họ Trịnh và họ Nguyễn đánh nhau bảy lần. Vùng đất Quảng Bình, Hà Tĩnh ngày nay trở thành chiến trường ác liệt. Cuối cùng, hai bên lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới, chia cắt đất nước, gọi là Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra) và Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào). Dân cư hai bờ sông Gianh phải di chuyển đi nơi khác. Lũy Thầy ở phía nam như một bức thành ngăn đôi đất nước.
- Ở Đàng Ngoài, từ năm 1592, cuộc xung đột Nam – Bắc triều kết thúc về cơ bản. Trịnh Tùng xưng vương, xây dựng vương phủ bên cạnh triều đình vua Lê. Họ Trịnh nắm toàn quyền thống trị nhưng vẫn phải dựa vào danh nghĩa vua Lê, nhân dân gọi là “vua Lê – chúa Trịnh”. Ở Đàng Trong, con cháu họ Nguyễn cũng truyền nối nhau cầm quyền, nhân dân gọi là chúa Nguyễn.
- Tình trạng chia cắt kéo dài đến cuối thế kỉ XVIII, gây bao đau thương cho dân tộc và tổn hại cho sự phát triển của đất nước.