Bài 2: Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử

- Bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử là kiểu văn bản thuật lại một sự việc có thật nhằm giúp người đọc hiểu về sự việc, qua đó hiểu về nhân vật/sự kiện lịch sử có liên quan.

- Yêu cầu:

+ Sự kiện được kể lại trong văn bản là có thật và liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử.

+ Sử dụng người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng tôi) thuật lại sự việc theo một trình tự hợp lí.

+ Sử dụng chi tiết, thông tin chọn lọc, tin cậy về sự việc, nhân vật/sự kiện.

+ Sử dụng yếu tố miêu tả trong bài viết.

+ Kết hợp kể chuyện với miêu tả một cách hợp lí, tự nhiên.

+ Bố cục bài viết cần đảm bảo:

* Mở bài: giới thiệu sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử.

* Thân bài: thuật lại quá trình diễn biến của sự việc, chỉ ra mối liên quan giữa sự việc với nhân vật/sự kiện lịch sử, kết hợp kể chuyện với miêu tả.

* Kết bài: khẳng định ý nghĩa của sự việc, nêu cảm nhận của người viết.

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

1. Đoạn mở bài đã nêu được sự việc gì liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử được thuật lại?

- Đoạn mở bài đã nêu được sự việc liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử là lễ hội tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

- Không gian: thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

- Thời gian: từ ngày 26 đến 28 tháng 8 âm lịch hàng năm.

2. Phần thân bài, người viết đã thuật lại sự việc, sự kiện gì?

- Miêu tả cảnh quan nơi thờ phụng anh hùng Nguyễn Trung Trực.

- Lễ hội tưởng nhớ Nguyễn Trung Trực, thông tin về cuộc đời và những chiến công của ông.

- Các hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật, giao lưu, thiện nguyện trong khuôn khổ lễ hội.

3. Người viết có kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả khi thuật lại sự kiện không?

Tác giả đã kết hợp kể sự việc với quan sát, miêu tả không khí, cảnh quan nơi thờ phụng.

4. Nội dung đoạn kết bài là gì?

Khẳng định ý nghĩa của lễ hội tưởng nhớ Nguyễn Trung Trực và cảm nhận của người viết về ông.

Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài: Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài: Trước tiên, em cần trả lời câu hỏi: Yêu cầu của đề bài là gì? Mục đích viết bài này là gì?

+ Mục đích viết bài là kể lại một sự kiện có liên quan đến nhân vật lịch sử chống ngoại xâm hoặc mở mang bờ cõi đất nước, được người dân tôn vinh, thờ phụng.

+ Một sự việc có thật liên quan đến nhân vật anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ cứu nước.

+ Một sự việc có thật liên quan đến các sự kiện, nhân vật có công đổi mới hoặc có thành tích trong lao động, sản xuất.

- Thu thập tư liệu:

Em cần thu thập tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau từ tài liệu thực tế: hình ảnh, hiện vật, lời kể…. đến các tài liệu lưu trữ trong viện bảo tàng, trên internet.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Tìm ý:

+ Xác định một số định hướng chung như: mối quan hệ giữa sự việc có thật và nhân vật/sự kiện lịch sử liên quan qua các tư liệu, bằng chứng; phối hợp sử dụng các loại tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, sử dụng tranh ảnh về nhân vật hoặc hiện vật liên quan đến sự kiện/nhân vật...

+ Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.

- Lập dàn ý:

+ Mở bài:

* Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại.

* Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan.

- Thân bài:

1. Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện.

+ Câu chuyện, huyền thoại liên quan đến nhân vật, sự kiện.

+ Dấu tích liên quan.

2. Thuật lại nội dung/diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử.

+ Bắt đầu - diễn biến - kết thúc.

+ Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn...); kết hợp kể chuyện với miêu tả.

3. Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/sự kiện lịch sử.

- Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.

Bước 3: Viết bài

- Khi thuật lại nội dung diễn biến, cần chỉ ra mối liên hệ giữa sự việc với nhân vật/sự kiện lịch sử qua các bằng chứng, nhân chứng, vật chứng hoặc tư liệu đáng tin cậy.

- Sử dụng yếu tố miêu tả một cách hợp lí, chọn lọc (tả chân dung nhân vật, tả cảnh quan, tả vật chứng, nhân chứng… khi cần); kết hợp kể chuyện với miêu tả một cách hài hòa, tự nhiên.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

- Xem lại và chỉnh sửa: Tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết dựa vào gợi ý (SGK Ngữ văn 7, tập một, tr. 49).

- Rút kinh nghiệm.

+ Việc viết bài giúp em có thêm kinh nghiệm gì khi viết về một văn bản kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật/sự kiện lịch sử.

+ Nếu được thực hiện lại bài viết, em sẽ điều chỉnh thế nào để bài viết được tốt hơn?