Bài 2: Mạc Đĩnh Chi

Khởi động

Chia sẻ về một tấm gương hiếu học mà em biết theo gợi ý: Bạn bè, người thân, nhân vật trong một câu chuyện.

Thầy Nguyễn Ngọc Kí là một tấm gương hiếu học cho các học sinh noi theo. Thầy bị liệt cả hai tay sau cơn bệnh nặng năm 4 tuổi nhưng đã kiên trì tập viết bằng đôi chân của mình. Vượt qua bao vất vả, khó khăn, thầy đã thành công và tiếp tục đến trường. Thầy học rất giỏi và trở thành giáo viên.

Khám phá và luyện tập

1. Cậu bé Mạc Đĩnh Chi có những phẩm chất gì?

Mạc Đĩnh Chi có những phẩm chất: Thông minh, chăm chỉ học hành, tài ứng đối mau lẹ.

2. Nhà vua thử tài Mạc Đĩnh Chi bằng cách nào? Cách Mạc Đĩnh Chi trả lời nhà vua có gì đặc biệt?

- Nhà vua thử tài Mạc Đĩnh Chi bằng cách hỏi ông về những điều cần có của một người thi đỗ.

- Mạc Đĩnh Chi trả lời một cách đặc biệt, ông xin được trả lời bằng giấy bút. Ông dâng vua một bài phú có nhan đề “Bông sen trong giếng ngọc” để bày tỏ chí hướng và tài năng của mình.

3. Theo em, nhờ đâu Mạc Đĩnh Chi làm được nhiều việc có ích cho đất nước?

Mạc Đĩnh Chi làm được nhiều việc có ích cho đất nước vì ông là người yêu nước, thương dân.

4. Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của em về nhân vật Mạc Đĩnh Chi.

Mạc Đĩnh Chi không chỉ thông minh mà còn chăm chỉ, vừa có đức, vừa có tài lại yêu nước thương dân. Tuy ngoại hình bình thường nhưng không tự ti mà vẫn cố gắng học tập, vươn lên bằng chính khả năng của mình khiến người khác phải nể phục ý chí, nghị lực cũng như tài năng của ông.

Nói và nghe

Nói về một anh hùng hoặc một tài năng nhỏ tuổi mà em biết.

Gợi ý: Kim Đồng, Yết Kiêu.

1. Em cần nói những gì về nhân vật?

a. Giới thiệu về nhân vật: Tên, tuổi….

b. Nói về lòng dũng cảm hoặc tài năng của nhân vật.

- Dũng cảm khi làm nhiệm vụ liên lạc.

- Có tài bơi lặn.

c. Chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của em về nhân vật.

Xúc động, khâm phục.

2. Em có thể làm cách nào để bài nói thêm sinh động, hấp dẫn?

Gợi ý: Sử dụng hình ảnh, âm thanh.

Viết

Đề bài: Thuật lại một sự việc trong lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 của trường để lại cho em nhiều ấn tượng.

1. Dựa vào dàn ý đã lập ở trang 85 (Tiếng Việt 4, tập một), viết phần thân bài hoặc một đoạn văn ở phần thân bài.

Lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của trường em được tổ chức sáng sớm cùng ngày tại sân trường.

Mở đầu buổi lễ, thầy hiệu trưởng gửi lời chúc mừng tới toàn thể thầy cô trong trường, sau đó là đại diện thầy cô, phụ huynh và các học sinh lên phát biểu. Kế tiếp là chương trình văn nghệ chào mừng, tri ân thầy cô.

2. Đọc lại phần thân bài hoặc đoạn văn em vừa viết và cho biết:

a. Câu đầu tiên của đoạn văn nêu ý gì?

Câu đầu tiên giới thiệu về sự kiện được thuật lại.

b. Các câu tiếp theo thuật những việc gì?

Các câu tiếp theo thuật lại diễn biến của sự kiện theo trình tự thời gian.

3. Đọc phần thân bài hoặc đoạn văn của các bạn trong nhóm và chia sẻ:

a. Em thích điều gì ở phần thân bài hoặc đoạn văn của bạn?

Gợi ý: Cách sắp xếp ý, dùng từ, viết câu.

b. Em muốn chỉnh sửa hoặc viết thêm điều gì vào đoạn văn đã viết?

Gợi ý: Lời nói, việc làm, suy nghĩ, cảm xúc.

Vận dụng

1. Sưu tầm một câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi.

Câu chuyện: Đèn đom đóm

Chuyện kể rằng, có cậu bé tên Mạc Đĩnh Chi nhà nghèo nhưng rất ham học. Nhà nghèo nên cậu không thể đến lớp như bè bạn mà chỉ đứng ngoài lớp, nghe thầy giảng bài. Đêm đến, không có đèn thắp sáng, cậu phải bắt đom đóm cho vào vỏ quả trứng lấy ánh sáng học bài. Chính lòng say mê ham học ấy, sau này cậu đã đỗ trạng nguyên, học vị cao nhất thời bấy giờ. Mạc Đĩnh Chi đã trở thành tấm gương vượt khó học giỏi và câu chuyện này đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

2. Chia sẻ những điều em biết thêm về Mạc Đĩnh Chi qua câu chuyện.

- Mạc Đĩnh Chi là người thông minh, cần cù, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ông vẫn luôn chăm chỉ học tập. Em rất ngưỡng mộ ý chí, nghị lực của ông.

- Qua câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi em rút ra bài học về tinh thần kiên trì học tập và rèn luyện. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này đóng góp sức mình cho đất nước.