Bài 2 : Khí hậu châu Á

1. KHÍ HẬU CHÂU Á PHÂN HÓA RẤT ĐA DẠNG

a) Khí hậu châu Á phân hóa thành nhiều đới khác nhau

- Các đới khí hậu ở châu Á từ vùng cực Bắc đến Xích đạo dọc theo kinh tuyến $80^{o}Đ:$ Đới khí hậu cực và cận cực, đới khí hậu ôn đới, đới khí hậu cận nhiệt, đới khí hậu nhiệt đới, đới khí hậu xích đạo.

- Nguyên nhân: Khí hậu phân thành nhiều đới khác nhau do lãnh thổ trải dài từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo, lượng bức xạ ánh sáng phân bố không đều nên hình thành các đới khí hậu khác nhau.

b) Các đới khí hậu châu Á lại phân hóa thành nhiều kiểu khí hậu khác nhau

- Đới khí hậu ôn đới phân hóa thành các kiểu khí hậu: ôn đới lục địa, ôn đới gió mùa, ôn đới hải dương.

- Đới khí hậu cận nhiệt phân hóa thành các kiểu khí hậu: cận nhiệt địa trung hải, cận nhiệt núi cao, cận nhiệt gió mùa, cận nhiệt lục địa.

- Đới khí hậu nhiệt đới phân hóa thành kiểu khí hậu nhiệt đới khô và kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa.

- Nguyên nhân: Do lãnh thổ rộng lớn, đặc điểm địa hình núi và sơn nguyên cao, ảnh hưởng của biển,... nên mỗi đới khí hậu lại phân thành nhiều kiểu khí hậu khác nhau.

2. KHÍ HẬU CHÂU Á PHỔ BIẾN LÀ CÁC KIỂU KHÍ HẬU GIÓ MÙA VÀ CÁC KIỂU KHÍ HẬU LỤC ĐỊA

a) Các kiểu khí hậu gió mùa

- Chia làm 2 mùa rõ rệt:

+ Mùa hạ: Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều.

+ Mùa đông: Khô, lạnh và ít mưa.

- Phân bố:

+ Khí hậu gió mùa nhiệt đới phân bố ở Nam Á và Đông Nam Á.

+ Khí hậu gió mùa cận nhiệt và ôn đới phân bố ở Đông Á.

b) Các kiểu khí hậu lục địa

- Mùa đông: khô và lạnh.

- Mùa hạ: khô và nóng.

- Lượng mưa trung bình năm từ $200-500\,mm,$ độ bốc hơi lớn, độ ẩm không khí thấp, hình thành cảnh quan bán hoang mạc và hoang mạc.

- Các kiểu khí hậu lục địa phân bố chủ yếu trong các vùng nội địa và khu vực Tây Nam Á.