Bài 2: Đọc mở rộng theo thể loại: Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng
- Truyện ngụ ngôn là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc, bằng văn xuôi hoặc văn vần. Truyện thường đưa ra bài học về cách nhìn sự việc, cách ứng xử của con người trong cuộc sống.
- Đề tài trong truyện ngụ ngôn: thường là những vấn đề đạo đức hay những cách ứng xử trong cuộc sống.
- Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là loài vật, đồ vật hoặc con người. Các nhân vật hầu như không có tên riêng, thường được người kể chuyện gọi bằng danh từ chung như: rùa, thỏ, sói, cừu, cây sậy, thầy bói, bác nông dân... Từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật ngụ ngôn, người nghe, người đọc có thể rút ra những bài học sâu sắc.
- Sự kiện (hay sự việc) là yếu tố quan trọng góp phần làm nên câu chuyện. Trong truyện ngụ ngôn, một câu chuyện thường xoay quanh một sự kiện chính. Chẳng hạn, ở truyện Thỏ và rùa, sự kiện chính là cuộc chạy thi giữa hai nhân vật thỏ và rùa.
- Cốt truyện của truyện ngụ ngôn thường xoay quanh một sự kiện (một hành vi ứng xử, một quan niệm, một nhận thức phiến diện, sai lầm... ) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.
- Tình huống truyện là tình thế được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt; qua đó đặc điểm, tính cách của nhân vật và tư tưởng của nhà văn được thể hiện rõ nét.
- Không gian trong truyện ngụ ngôn là khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn, nơi xảy ra sự kiện, câu chuyện (một khu chợ, một giếng nước, một khu rừng... ).
- Thời gian trong truyện ngụ ngôn là một thời điểm, khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.
- Truyện Chân, Tay, tai, Mắt, Miệng được in trong Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam, tập III, Truyện cười – Truyện trạng cười – Truyện ngụ ngôn, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ (biên soạn, tuyển chọn), NXB Giáo dục.
- Khi đọc truyện ngụ ngôn cần chú ý:
+ Nhận biết các yếu tố thể hiện đặc điểm của truyện như đề tài, nhân vật, sự kiện, cốt truyện, tình huống, không gian, thời gian.
+ Nhận biết được sự kết hợp giữa lời của người kể chuyện và lời của nhân vật trong truyện.
+ Rút ra được bài học của truyện và nêu được ý nghĩa của bài học ấy.
1.Tóm tắt ngắn gọn văn bản Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.
Trước nay, Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng vẫn chung sống hòa thuận, vui vẻ với nhau. Một hôm, Chân, Tay, Tai và Mắt cho rằng Miệng chỉ ăn không làm nên họ đã quyết định không làm việc để lão Miệng không có gì ăn. Nhưng mấy ngày sau, tất cả đều mệt mỏi, tê liệt. Họ nhận ra được công việc và ý nghĩa của Miệng với cơ thể. Thế là Chân, Tay, Tai, Mắt đến làm hòa với Miệng và cùng nhau làm việc như xưa.
2. Liệt kê những dấu hiệu giúp em nhận biết văn bản Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng là truyện ngụ ngôn (sử dụng bảng SGK Ngữ văn 7, tr. 45):
Các yếu tố cần xem xét | Dấu hiệu nhận biết yếu tố của truyện ngụ ngôn trong Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng |
Đề tài | Bài học về tinh thần đoàn kết |
Sự kiện, tình huống | Sự so bì giữa Chân, Tay, Tai, Mắt với Miệng |
Cốt truyện | Chân, Tay, Tai, Mắt cho rằng Miệng chỉ ăn không làm nên quyết định không là gì cả để Miệng nhịn đói |
Nhân vật | Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng |
Không gian, thời gian | Không xác định cụ thể. |
3. Sai lầm trong cách đối xử của các nhân vật Chân, Tay, Tai, Mắt đối với lão Miệng giúp em rút ra bài học gì?
Bài học rút ra là sống trong tập thể, mỗi người ta đều có nhiệm vụ và vai trò riêng. Vì vậy cần phải đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, không so bì thiệt hơn để tập thể bền vững, phát huy hết sức mạnh.