Bài 2: Ca dao về tình yêu thương
Khởi động
Trao đổi về nội dung, ý nghĩa của một câu tục ngữ hoặc ca dao nói về công ơn cha mẹ mà em biết.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Ý nghĩa câu ca dao là công ơn của cha đối với con cao như núi, tình thương của mẹ dành cho con dạt dào như nước trong nguồn không bao giờ cạn.
Khám phá và luyện tập
1. Tìm trong bài những câu ca dao là lời khuyên:
- Ghi nhớ công ơn cha mẹ, thầy cô: Câu 1 và 2.
- Hòa thuận, yêu thương anh chị em: Câu 3.
- Yêu thương con người: Câu 4.
- Nhớ đến cội nguồn: Câu 5.
2. Những hình ảnh nào trong câu ca dao 1 và 2 nói lên công ơn của cha mẹ, thầy cô?
- Hình ảnh nói lên công ơn của cha mẹ, thầy cô trong câu ca dao 1: Nặng lắm; trời; chín tháng cưu mang.
- Trong câu ca dao 2: Lớn khôn, cơm, áo, chữ.
3. Trong câu ca dao 3, anh chị em được so sánh với hình ảnh nào? Cách so sánh ấy có gì hay?
- Trong câu ca dao 3, anh chị em được so sánh với hình ảnh tay chân.
- Tay và chân là hai bộ phận luôn hỗ trợ cho nhau. Anh em là thành viên trong gia đình, cùng trưởng thành và có mối quan hệ gắn gó, giúp đỡ nhau như mối quan hệ giữa tay và chân.
4. Kể 2 – 3 việc làm phù hợp với lời khuyên ở câu ca dao 4 hoặc 5.
- Việc làm phù hợp với lời khuyên ở câu ca dao 4: Quyên góp giúp đỡ người nghèo; người dân gặp thiên tai.
- Việc làm phù hợp với lời khuyên ở câu ca dao 5: Ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà, bố mẹ...
Nói và nghe
1. Mỗi nhân vật trong tranh dưới đây đã làm được việc gì để thể hiện tình cảm với người thân?
- Bức tranh truyện “Sự tích hoa cúc trắng”: Cô bé quyết tâm đi tìm thuốc để cứu mẹ đang bị bệnh nặng dù thời tiết rét buốt.
- Bức tranh truyện “Về thăm bà”: Nhân vật người bà luôn quan tâm yêu thương và chăm sóc con cháu.
2. Kể về một việc làm thể hiện tình cảm của em đối với người thân dựa vào gợi ý: Việc đã làm, diễn biến, cảm xúc (của em, của người thân).
3. Trao đổi với bạn về ý nghĩa của việc làm mà em đã kể ở bài tập 2.
Lắng nghe câu chuyện của bạn và thể hiện cảm xúc của bản thân trước sự giúp đỡ, yêu thương của người thân trong gia đình và bày tỏ lòng biết ơn, hành động cụ thể chăm sóc người thân.
Viết
1. Đọc bài văn sau và thực hiện yêu cầu:
Năm học này, lễ đón học sinh lớp Một được trường em tổ chức rất ấm áp và ý nghĩa.
Mở đầu buổi lễ, các em lớp Một mặc đồng phục mới, tay vẫy cờ hoa, xếp thành hàng đôi, cùng thầy cô giáo tiến vào vị trí trung tâm của sân trường trong tiếng trống chào mừng và tiếng vỗ tay giòn giã. Những đôi mắt mở to, lạ lẫm trên khuôn mặt ngây thơ trông thật đáng yêu.
Sau khi ổn định chỗ ngồi, các em được xem một chương trình văn nghệ đặc biệt. Hoạt cảnh “Ngày đầu tiên đi học" và bài hát truyền thống của trường là lời chào thân thương gửi tới những thành viên mới của ngôi nhà Ban Mai mến yêu.
Tiếp đến, cô Hiệu trưởng nói lời chào mừng và dặn dò các em học sinh nhỏ nhất trường. Cô không quên căn dặn các anh chị lớp trên phải yêu thương, giúp đỡ các em. Cô tặng mỗi em một chiếc thẻ xinh xắn hình con thú ngộ nghĩnh có ghi tên và lớp.
Cuối buổi lễ, một em học sinh lớp Một đại diện chia sẻ cảm xúc trong ngày đầu năm học mới.
Buổi lễ kết thúc trong cảm xúc hân hoan, phấn khởi của thầy cô giáo và học sinh toàn trường.
(Minh An)
a. Bài văn thuật lại sự việc gì? Ở đâu? Khi nào?
Bài văn thuật lại lễ đón học sinh lớp Một, buổi lễ diễn ra tại trường vào ngày khai giảng.
b. Bạn nhỏ được chứng kiến hay tham gia sự việc đó?
Bạn nhỏ được chứng kiến sự việc.
c. Tìm trong bài văn:
– Đoạn mở bài: Từ đầu đến “rất ấp áp và ý nghĩa”.
– Các đoạn văn ở phần thân bài và xác định nội dung mỗi đoạn:
+ Đoạn 1: Lễ diễu hành.
+ Đoạn 2: Khai mạc buổi lễ.
+ Đoạn 3: Hoạt động diễn ra trong buổi lễ.
+ Đoạn 4: Bế mạc buổi lễ.
– Đoạn kết bài: Câu cuối.
d. Bạn nhỏ thuật lại sự việc theo trình tự nào? Những từ ngữ nào cho em biết điều đó?
Bạn nhỏ thuật lại sự việc theo trình tự thời gian. Những từ ngữ thể hiện là: Mở đầu buổi lễ, sau khi ổn định chỗ ngồi, tiếp đến, cuối buổi lễ.
Ghi nhớ: Bài văn thuật lại một sự việc được chứng kiến, tham gia thường gồm ba phần:
1. Mở bài: Giới thiệu sự việc được chứng kiến hoặc tham gia.
2. Thân bài: Thuật lại diễn biến sự việc theo trình tự không gian hoặc thời gian.
Lưu ý: Thân bài có thể gồm một hoặc nhiều đoạn văn.
3. Kết bài: Nêu kết thúc của sự việc. Có thể bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về sự việc.
2. Sắp xếp các ý dưới đây theo đúng trình tự của bài văn thuật lại một việc làm tốt.
(1) Sáng sớm, em cùng bố mẹ đi xe buýt tới thăm ông bà.
(2) Em rất vui vì đã làm được một việc tốt.
(3) Ở trạm dừng tiếp theo, một người phụ nữ bế em nhỏ lên xe.
(4) Thứ Bảy tuần trước, em đã làm được một việc tốt.
(5) Người phụ nữ cảm ơn và khen em ngoan.
(6) Bố mẹ nhường cho em ngồi vào chiếc ghế trống duy nhất.
(7) Em đứng lên, nhường chỗ cho hai mẹ con người phụ nữ.
Sắp xếp đúng trình tự:
(4) Thứ Bảy tuần trước, em đã làm được một việc tốt.
(1) Sáng sớm, em cùng bố mẹ đi xe buýt tới thăm ông bà.
(6) Bố mẹ nhường cho em ngồi vào chiếc ghế trống duy nhất.
(3) Ở trạm dừng chân tiếp theo, một người phụ nữ bế em nhỏ lên xe.
(7) Em đứng lên, nhường chỗ cho hai mẹ con người phụ nữ.
(5) Người phụ nữ cảm ơn và khen em ngoan.
(2) Em rất vui vì đã làm được một việc tốt.
3. Mỗi ý ở bài tập 2 có thể xếp vào phần nào của bài văn thuật lại một sự việc:
- Mở bài: (4) Thứ Bảy tuần trước, em đã làm được một việc tốt.
- Thân bài:
(1) Sáng sớm, em cùng bố mẹ đi xe buýt tới thăm ông bà.
(6) Bố mẹ nhường cho em ngồi vào chiếc ghế trống duy nhất.
(3) Ở trạm dừng chân tiếp theo, một người phụ nữ bế em nhỏ lên xe.
(7) Em đứng lên, nhường chỗ cho hai mẹ con người phụ nữ.
(5) Người phụ nữ cảm ơn và khen em ngoan.
- Kết bài: (2) Em rất vui vì đã làm được một việc tốt.
Vận dụng
1. Chọn một cánh trên Bông hoa yêu thương.
Em chọn cánh hoa Người có hoàn cảnh khó khăn.
2. Kể 1 – 2 việc em có thể làm để thể hiện sự quan tâm hoặc tình yêu thương đối với người ghi trên cánh hoa chọn được.
- Em chọn những món đồ chơi, quần áo chưa hoặc ít sử dụng quyên góp cho những bạn nhỏ vùng sâu vùng xa.
- Em quyên góp tiền lì xì tết để hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn.