Bài 19. Tuần hoàn máu (tiếp theo)

III. HOẠT ĐỘNG CỦA TIM

1. Tính tự động của tim

- Khả năng co dãn tự động theo chu kì của tim gọi là tính tự động của tim.

- Khả năng co dãn tự động theo chu kì của tim là do hệ dẫn truyền tim. Hệ dẫn truyền tim bao gồm: nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất, bó His và mạng Puôckin.

- Hoạt động của hệ dẫn truyền: Nút xoang nhĩ có khả năng tự phát xung điện. Cứ sau một khoảng thời gian nhất định, nút xoang nhĩ lại phát xung điện. Xung điện lan ra khắp cơ tâm nhĩ làm tâm nhĩ co, sau đó lan đến nút nhĩ thất, đến bó His rồi theo mạng Puôckin lan ra khắp cơ tâm thất làm tâm thất co.

2. Chu kì hoạt động của tim

- Chu kì tim là một lần co và dãn nghỉ của tim.

- Mỗi chu kì tim bắt đầu từ pha co tâm nhĩ, sau đó là pha co tâm thất và cuối cùng là pha dãn chung.

IV. HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ MẠCH

1. Cấu trúc của hệ mạch

- Hệ mạch bao gồm: hệ thống động mạch, hệ thống mao mạch và hệ thống tĩnh mạch.

- Hệ thống động mạch: Động mạch chủ $ \rightarrow$ Động mạch nhỏ dần $ \rightarrow$ Tiểu động mạch.

- Hệ thống mao mạch: là mạch máu nhỏ nối giữa động mạch và tĩnh mạch.

- Hệ thống tĩnh mạch: Tiểu tĩnh mạch $ \rightarrow$  Tĩnh mạch lớn dần $ \rightarrow$ Tỉnh mạch chủ.

2. Huyết áp

- Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch khi tim co bóp đẩy máu vào động mạch.

- Huyết áp bao gồm: Huyết áp tâm thu ứng với lúc tim co và huyết áp tâm trương ứng với lúc tim dãn.

- Huyết áp giảm dần trong hệ mạch.

- Tất cả những tác nhân làm thay đổi lực co tim, nhịp tim, khối lượng máu, độ quánh của máu, sự đàn hồi của mạch máu đều có thể làm thay đổi huyết áp.

3. Vận tốc máu

- Vận tốc máu là tốc độ máu chảy trong một giây.

- Vận tốc máu trong hệ mạch phụ thuộc vào tổng tiết diện của mạch và chênh lệch huyết áp giữa hai đầu đoạn mạch.