Bài 19: Các nước láng giềng của Việt Nam
1. Cam-pu-chia
- Vị trí địa lí:
+ Nằm trên bán đảo Đông Dương, trong khu vực Đông Nam Á.
+ Phía bắc giáp Lào
+ Phía bắc và tây bắc giáp Thái Lan
+ Phía đông và đông nam giáp Việt Nam
+ Phía tây nam giáp Vịnh Thái Lan
- Thủ đô Cam-pu-chia là Phnôm Pênh.
- Địa hình Cam-pu-chia chủ yếu là đồng bằng dạng lòng chảo, tương đối bằng phẳng; chỉ có một phần nhỏ là đồi núi thấp, độ cao từ 200 đến 500 m.
- Biển Hồ là một hồ nước ngọt rộng như biển, có trữ lượng cá tôm nước ngọt rất lớn.
- Kinh tế Cam-pu-chia chú trọng phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.
- Các sản phẩm chính của ngành nông nghiệp là lúa gạo, hồ tiêu, đường thốt nốt và đánh bắt cá nước ngọt.
- Người dân Cam-pu-chia chủ yếu theo đạo Phật.
- Cam-pu-chia có rất nhiều đền, chùa tạo nên những phong cảnh đẹp, hấp dẫn, và được gọi là đất nước chùa tháp.
2. Lào
- Vị trí địa lí:
+ Nằm trên bán đảo Đông Dương, trong khu vực Đông Nam Á.
+ Phía bắc giáp Trung Quốc và Mi-an-ma
+ Phía đông giáp Việt Nam
+ Phía tây giáp Thái Lan
+ Phía nam giáp Cam-pu-chia.
- Thủ đô của Lào là Viêng Chăn.
- Nước Lào không giáp biển, địa hình phần lớn là đồi núi và cao nguyên.
- Rừng có nhiều gỗ quý.
- Các sản phẩm chính của Lào là quế, cánh kiến, gỗ và lúa gạo.
- Người dân Lào chủ yếu theo đạo Phật.
3. Trung Quốc
- Trung Quốc nằm ở phía đông châu Á.
- Trung Quốc có chung đường biên giới với nhiều quốc gia: Mông Cổ, Triều Tiên, Liên bang Nga, Ấn Độ, Mi-an-ma, Việt Nam, Lào…
- Thủ đô của Trung Quốc là Bắc Kinh.
- Đất nước Trung Quốc có diện tích lớn, dân số đông nhất thế giới.
- Địa hình chủ yếu là đồi núi và cao nguyên:
+ Miền Đông là các đồng bằng châu thổ màu mỡ và một số đồng bằng nhỏ ven biển.
+ Miền Tây là núi và cao nguyên, có khí hậu khắc nghiệt.
- Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng về tơ lụa, gốm, sứ, chè…
- Ngày nay, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh, sản xuất nhiều máy móc, thiết bị. Các mặt hàng điện tử, ô tô, hàng may mặc, đồ chơi… của Trung Quốc được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.