Bài 18. Ôn tập lịch sử thế giới hiện đại (phần từ năm 1917 đến năm 1945)

I. Những kiến thức cơ bản về lịch sử thế giới hiện đại (1917 - 1945)

1. Liên Xô (nước Nga).

- Tháng 2/1917: Cách mạng dân chủ tư sản.

+ Diễn biến chính: Tổng bãi công chính trị ở Pê-tơ-rô-grát; khởi nghĩa vũ trang; Nga hoàng bị lật đổ.

+ Kết quả, ý nghĩa: Lật đổ chế độ Nga hoàng; tồn tại hai chính quyền song song; đây là cuộc Cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới.

- Tháng 11/1917: Cách mạng xã hội chủ nghĩa.

+ Diến biến chính: Ngày 25/10/1917, chiếm Cung điện Mùa Đông, toàn bộ chính phủ lâm thời tư sản bị bắt. Chính quyền Xô viết thành lập do Lê-nin đứng đầu.

+ Kết quả, ý nghĩa: Thành lập chính quyền Xô Viết, nhân dân lao động Nga được làm chủ đất nước. Cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới theo đường lối cách mạng vô sản.

- Từ năm 1918 – 1920: Chống thù trong giặc ngoài.

+ Diễn biến chính: Quân đội 14 nước đế quốc cấu kết với phản động trong nước mở cuộc tấn công vũ trang vào nước Nga Xô viết.

+ Kết quả, ý nghĩa: Đẩy lùi cuộc tấn công của kẻ thù. Nhà nước Xô viết được bảo vệ. Thực hiện  chính sách “Cộng sản thời chiến”.

- Từ năm 1921 – 1925: Chính sách kinh tế mới và công cuộc khôi phục kinh tế.

+ Diễn biến chính: Thay thế chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thu thế lương thực. Tập trung khôi phục công nghiệp nặng. Tự do buôn bán, phát hành đồng rup mới.

+ Kết quả, ý nghĩa: Hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế. Phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở một số nước.

- Tháng 12/1922: Thành lập Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô).  

+ Kết quả, ý nghĩa: Tăng cường sức mạnh về mọi mặt để xây dựng thành công CNXH.

- Từ năm 1925 – 1941: Liên Xô xây dựng CNXH.

+ Diễn biến chính: Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928 - 1932), kế hoạch  5 năm lần thứ hai (1933 - 1937), kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (từ năm 1937) bị gián đoạn do phát xít Đức tấn công tháng 6/1941.

+ Kết quả, ý nghĩa: Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp xã hội chủ nghĩa và vị thế quan trọng trên trường quốc tế.

- Từ năm 1941 – 1945: Chiến tranh vệ quốc.

+ Diễn biến chính: Giải phóng lãnh thổ Liên Xô; giải phóng các nước Trung và Đông Âu. Tiêu diệt phát xít Đức ở Béc-lin, tấn công đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu.

+ Kết quả, ý nghĩa: Là lực lượng trụ cột tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, bảo vệ vững chắc tổ quốc, tiếp tục xây dựng CNXH.

2. Các nước tư bản chủ nghĩa.

- Từ năm 1919 – 1922: Hội nghị Vécxai và Oa-sinh-tơn.

+ Diễn biến chính: Kí kết hòa ước giữa các nước thắng trận và bại trận; các nước bại trận chịu những điều khoản nặng nề.

+ Kết quả, ý nghĩa: Một trật tự thế giới mới là trật tự Vécxai -Oa-sinh-tơn và Hội quốc liên. Mâu thuẫn giữa các đế quốc tiếp tục căng thẳng.

- Từ năm 1918 -1923: Khủng hoảng kinh tế, chính trị.

+ Diễn biến chính: Kinh tế các nước tư bản không ổn định, cao trào cách mạng 1918 -1923 dâng cao.

+ Kết quả, ý nghĩa: Phong trào cách mạng thế giới phát triển mạnh, Quốc tế Cộng sản thành lập (1919).

 - Từ năm 1924 – 1929: Thời kì ổn định tạm thời.

+ Diễn biến chính: Kinh tế các nước tư bản ổn định và phát triển, đặc biệt là Mĩ.

+ Kết quả, ý nghĩa: Giai đoạn ổn định tạm thời nhưng ẩn chứa nhiều mầm mống dẫn đến khủng hoảng.

- Từ năm 1929 – 1933: Khủng hoảng kinh tế thế giới.

+ Diễn biến chính: Nổ ra ở Mĩ, lan rộng khắp thế giới, tàn phá nặng nề nền kinh tế, chính trị các nước tư bản, làm xã hội rối loạn. Phong trào cách mạng bùng nổ.

+ Kết quả, ý nghĩa: Các nước tư bản tìm lối thoát bằng nhiều cách như cải cách kinh tế, xã hội (Anh, Pháp, Mĩ) hoặc thiết lập chế độ phát xít (Đức, I-ta-li-a, Nhật).

 - Năm 1933: Chủ nghĩa phát xít lên cầm quyền ở Đức.

+ Diễn biến chính: Ngày 30/1/1933, Hít-le lên làm thủ tướng, thiết lập chế độ độc tài phát xít ở Đức. Thi hành chính sách, chính trị, kinh tế, đối ngoại phản động nhằm phát động chiến tranh phân chia lại thế giới.

+ Kết quả, ý nghĩa: Mở ra thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Đức. Báo hiệu nguy cơ chiến tranh thế giới.

- Từ năm 1933 – 1935: Chính sách mới của Mĩ.

+ Diễn biến chính: Thực hiện một hệ thống các chính sách, biện pháp của nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế tài chính và chính trị xã hội.

+ Kết quả, ý nghĩa: Cứu chủ nghĩa tư bản Mĩ khỏi nguy kịch, nước Mĩ duy trì được chế độ dân chủ tư sản, không đi theo con đường chủ nghĩa phát xít.

- Từ năm 1933 – 1939: Chủ nghĩa phát xít xuất hiện và lên cầm quyền ở Đức, I-ta-li-a, Nhật.

+ Diễn biến chính: Chủ nghĩa phát xít, quân phiệt lên cầm quyền ở Đức, I-ta-li-a, Nhật, ra sức chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh chia lại thế giới.

Liên Xô muốn liên minh với tư bản chống phát xít nhưng bị từ chối. Mặt trận nhân dân chống phát xít hình thành và thắng lợi ở nhiều nước.

+ Kết quả, ý nghĩa: Thế giới hình thành 2 khối đế quốc đối đầu nhau, tạo điều kiện cho Đức gây chiến.

- Từ năm 1939 – 1945: Chiến tranh thế giới thứ hai.

+ Diễn biến chính: Lúc đầu là cuộc chiến giữa hai khối đế quốc. Sau khi Liên Xô và Mĩ tham chiến, mặt trận Đồng minh chống phát xít hình thành.

+ Kết quả, ý nghĩa: Chủ nghĩa phát xít bại trận, thắng lợi thuộc về phe Đồng minh. Hội nghị I-an-ta được triệu tập để thiết lập trật tự thế giới mới.

3. Các nước châu Á.

 - Từ năm 1918 – 1923: Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc.

+ Diễn biến chính: Phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc. Cuộc đấu  tranh của nhân dân Mông Cổ, Ấn Độ…

+ Kết quả, ý nghĩa: Cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân châu Á. Chuẩn bị cho bước phát triển ở giai đoạn sau.

- Từ năm 1924 – 1929: Phong trào giải phóng dân tộc phát triển.

+ Diễn biến chính: Nội chiến ở Trung Quốc. Phong trào công nhân và những hoạt động của Đảng Quốc đại ở Ấn Độ., Đảng Cộng sản ở In-đô-nê-xi-a.

+ Kết quả, ý nghĩa: Giáng đòn mạnh vào các thế lực thống trị.

- Từ năm 1929 – 1939: Phong trào giải phóng dân tộc và lập Mặt trận nhân dân chống phát xít.

+ Diễn biến chính: Đấu tranh chống chế độ phản động Tưởng Giới Thạch và phát xít Nhật ở Trung Quốc. Nhiều Đảng Cộng sản được thành lập như Ấn Độ (1939), Việt Nam (1930). Thành lập Mặt trận nhân dân chống phát xít ở Việt Nam (1936), In-đô-nê-xi-a (1929).

+ Kết quả, ý nghĩa: Tạo nên làn sóng cách mạng chống đế quốc, thực dân, phát xít ở các nước châu Á.

- Từ năm 1939 – 1945: Phong trào giải phóng dân tộc trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

+ Diễn biến chính: Trung Quốc kết thúc thắng lợi  8 năm kháng chiến chống Nhật. Ở Đông Nam Á, nhiều nước giành được độc lập như Việt Nam, In-đô-nê-xi-a (8/1945), Lào (10/1945).

+ Kết quả, ý nghĩa: Nhiều nước châu Á giành độc lập, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh tiêu diệt phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

II. Những nội dung chính của lịch sử thế giới hiện đại (1917 - 1945)

1. Khoa học - kĩ thuật phát triển đã thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển với tốc độ cao, làm thay đổi đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của các quốc gia, dân tộc.

2. CNXH được xác lập ở nước đầu tiên trên thế giới (Liên Xô), nằm giữa vòng vây của chủ nghĩa tư bản. Trong thời gian ngắn, Liên Xô đã vươn lên thành một cường quốc công nghiệp, có nền văn hóa, khoa học – kĩ thuật tiên tiến và vị thế quan trọng trên trường quốc tế.

3. Phong trào cách mạng thế giới bước sang thời kì phát triển mới từ sau thắng lợi của cách mạng tháng Mười và sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Những bước phát triển chính của phong trào cách mạng thế giới:

+ Cao trào cách mạng 1918 – 1923 và sự thành lập Quốc tế Cộng sản.

+ Phong trào cách mạng những năm khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933).

+ Phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít, chống chiến tranh (1936 – 1939).

+ Cuộc chiến đấu chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945).

4. Chủ nghĩa tư bản không còn là hệ thống duy nhất trên thế giới và trải qua những bước thăng trầm đầy biến động, dẫn đến sự hình thành chủ nghĩa phát xít và cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

5. Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất, tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại. Chiến tranh kết thúc đã mở ra một thời kì phát triển mới của lịch sử thế giới.