Bài 18. Cuộc kháng chiến của nhà Hồ và phong trào khởi nghĩa chống quân Minh đầu thế kỉ XV

1. Cuộc xâm lược của quân Minh và sự thất bại của nhà Hồ.

- Tháng 11/1406, lấy cớ nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh đã huy động một lực lượng lớn gồm 20 vạn quân cùng với hàng chục vạn dân phu do tướng Trương Phụ cầm đầu, chia làm hai cánh tràn vào biên giới nước ta.

- Quân Minh lần lượt đánh bại quân nhà Hồ ở Lạng Sơn. Hồ Quý Ly phải lui về đóng ở bờ nam sông Nhị (sông Hồng), lấy thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội) làm trung tâm phòng ngự.

+ Ngày 22/1/1407, sau khi đánh bại quân nhà Hồ ở Đa Bang, quân Minh đánh chiếm Đông Đô (Thăng Long). Quân nhà Hồ phải lui về cố thủ ở thành Tây Đô.

+ Tháng 4/1407, quân Minh tấn công vào Tây Đô, Hồ Quý Ly chạy vào Hà Tĩnh và bị bắt vào cuối tháng 6/1407.

2. Chính sách cai trị của nhà Minh.

- Sau thất bại của nhà Hồ, nhà Minh thiết lập chính quyền thống trị trên khắp nước ta. Chúng xóa bỏ quốc hiệu của ta, đổi thành quận Giao Chỉ; sáp nhập nước ta vào Trung Quốc; thi hành chính sách đồng hóa và bóc lột nhân dân tàn bạo.

- Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế nặng nề, bắt phụ nữ, trẻ em đưa về Trung Quốc bán làm nô tì, cưỡng bức dân ta phải bỏ phong tục tập quán của mình, thiêu hủy phần lớn sách quý của nước ta và mang về Trung Quốc nhiều sách có giá trị.

3. Những cuộc khởi nghĩa của quý tộc nhà Trần.

- Ngay sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nhân dân ta ở nhiều nơi đã nổi dậy khởi nghĩa.

+ Ở Đồ Sơn (Hải Phòng) có khởi nghĩa Phạm Ngọc.

+ Ở Quảng Ninh có khởi nghĩa Lê Ngã; ở Đông Triều có khởi nghĩa Phạm Chấn.

+ Ở Bắc Giang có khởi nghĩa Phạm Tất Đại.

+ Ở Phú Thọ có khởi nghĩa của Trần Nguyên Thôi.

+ Ở Thái Nguyên có khởi nghĩa của Trần Nguyên Khang.

- Trong các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đô hộ lúc bấy giờ có hai cuộc khởi nghĩa tiêu biểu.

- Khởi Nghĩa Trần Ngỗi (1407 - 1409).

+ Tháng 10/1407, một người yêu nước là Trần Triệu Cơ đưa con của vua Trần là Trần Ngỗi lân làm minh chủ. Ở Yên Mô (Ninh Bình), Trần Ngỗi tự xưng là Giản Định hoàng đế.

+ Đầu năm 1408, Trần Ngỗi kéo quân vào Nghệ An, được Đặng Tất ở Hóa Châu (Thừa Thiên Huế) và Nguyễn Cảnh Chân – trước làm quan ở Thăng Hoa (Quảng Nam) hưởng ứng.

+ Tháng 12/1408, nghĩa quân đánh tan 4 vạn quân Minh ở bến Bô Cô (Nam Định). Từ đó, thanh thế nghĩa quân vang dậy, nhiều người từ các nơi kéo về theo nghĩa quân.

+ Sau chiến thắng Bô Cô, Trần Ngỗi nghe lời gièm pha đã giết hai tướng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, cuộc khởi nghĩa tan rã dần.

- Cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng (1409 - 1414).

+ Sau khi Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân bị Trần Ngỗi giết chết, con trai của hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị cùng nhiều nghĩa quân bỏ vào Nghệ An, đưa Trần Quý Khoáng lên ngôi vua, lấy hiệu là Trùng Quang đế và phát động khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh chóng ở các vùng từ Thanh Hóa đến Hóa Châu.

+ Giữa năm 1411, quân Minh được tăng viện binh, mở cuộc tấn công vào Thanh Hóa, nghĩa quân rút vào Thuận Hóa.

+ Tháng 8/1413, quân Minh đánh vào Thuận Hóa, nghĩa quân tan rã dần. Trần Quý Khoáng, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị lần lượt bị bắt. Cuộc khởi nghĩa thất bại.