Bài 18. Các cuộc đấu tranh giành độc lập trước thế kỉ X

Chính sách thôn tính, sáp nhập và đồng hóa của các triều đại phong kiến Trung Quốc nhằm xóa đi tên đất, tên làng, tiếng nói và phong tục của người Việt gặp phải sự phản kháng quyết liệt của nhân dân ta. Một ngàn năm không chịu cúi đầu, lớp lớp các thế hệ “con Rồng cháu Tiên” không ngừng vùng lên đấu tranh giành lại giang sơn gấm vóc và độc lập tự chủ cho dân tộc.

I. KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG (NĂM 40 - 43)

- Bất bình với chính sách cai trị hà khắc của chính quyền đô hộ phương Bắc, mùa xuân năm 40, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, con gái Lạc tướng vùng Mê Linh (nay là Hà Nội) phất cờ khởi nghĩa.

- Được nhân dân khắp nơi hưởng ứng từ Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội), nghĩa quân đánh đánh chiếm Mê Linh, Cổ Loa (Hà Nội) và Luy Lâu (Bắc Ninh). Thái thú Tô Định đại bại, chạy trốn về quận Nam Hải (Quảng Đông).

- Khởi nghĩa thắng lợi, nhân dân suy tôn Trưng Trắc lên làm vua (Trưng Vương hay Trưng Nữ Vương) đóng đô ở Mê Linh.

- Mùa hè năm 42, nhà Hán đem quân đàn áp. Năm 43, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại.

II. KHỞI NGHĨA BÀ TRIỆU (NĂM 248)

- Dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Ngô, năm 248, tại vùng Cửu Chân (Thanh Hóa), Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa.

- Từ căn cứ ban đầu trên núi Nưa, nghĩa quân tràn xuống đánh phá các thành ấp của bọn quan lại đô hộ rồi từ đó đánh ra khắp Giao Châu. Nhà Ngô đem quân đàn áp, khởi nghĩa thất bại.

III. KHỞI NGHĨA LÍ BÍ VÀ NƯỚC VẠN XUÂN (NĂM 542 - 602)

- Đầu thế kỉ VI, nhà Lương đô hộ Giao Châu. Thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư cai trị tàn bạo khiến mọi người oán giận. Mùa xuân năm 542, Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên (Bắc Ninh), làm chủ Giao Châu. Nhà Lương đã hai lần huy động quân sang đàn áp nhưng đều thất bại nặng nề.

- Mùa xuân năm 544, khởi nghĩa thắng lợi, Lý Bí lên ngôi vua, hiệu là Lý Nam Đế. Ông đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội), cho xây điện Vạn Thọ và chùa khai Quốc, cho đúc tiền riêng.

- Tháng 5/545, Nhà Lương cử quân xâm lược vạn Xuân. Lý Nam Đế trao quyền chỉ huy kháng chiến cho Triệu Quang Phục, một vị tướng trẻ tài ba. Triệu Quang Phục đưa quân về đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) xây dựng căn cứ và tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

Năm 550, sau khi đánh bại quân Lương, Triệu Quang Phục xưng vương (Triệu Việt Vương). Năm 602, nhà Tùy đem quân xâm lược, nước Vạn Xuân sụp đổ.

IV. KHỞI NGHĨA MAI THÚC LOAN (NĂM 713 - 722)

- Dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Đường, năm 713, nhân dân Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh) vùng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Mai Thúc Loan.

- Từ Hoan Châu, khởi nghĩa lan rộng ra khắp các châu, huyện. Nhân dân khắp nơi hưởng ứng, kể cả Chăm-pa, Chân Lạp… Mai Thúc Loan chọn vùng Sa Nam (Nam Đàn, Nghệ An) để xây thành Vạn An. Ông xưng đế, nhân dân thường gọi là Mai Hắc Đế (Vua Đen họ Mai). Từ thành Vạn An, nghĩa quân tiến ra Bắc, đánh chiếm thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay).

- Năm 722, nhà Đường phái 10 vạn quân sang đàn áp, khởi nghĩa bị dập tắt.

- Khởi nghĩa Mai thúc Loan đã giành và giữ chính quyền độc lập trong gần 10 năm (713 - 722). Đó là cuộc khởi nghĩa lớn, đánh dấu mốc quan trọng trên con đường chống Bắc thuộc, giành lại quyền tự chủ của nhân dân ta.

V. KHỞI NGHĨA PHÙNG HƯNG

- Khoảng cuối thế kỉ VIII, ở làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), Phùng Hưng đã hợp quân khởi nghĩa và nhanh chóng làm chủ vùng Đường Lâm.

- Được nhân dân các vùng xung quanh hưởng ứng, Phùng Hưng chiếm được thành Tống Bình, tổ chức việc cai trị.

- Khi Phùng Hưng qua đời, con trai ông là Phùng An lên nối nghiệp cha. Sau đó, nhà Đường đem quân sang đàn áp, dập tắt cuộc khởi nghĩa.

- Nhân dân tưởng nhớ Phùng Hưng, lập đến thờ và truy tôn là Bố Cái Đại Vương (theo quốc tục xưa, cha là bố, mẹ là cái, người dân muốn tỏ lòng biết ơn nhớ tới vị anh hùng đã đem đến cho người dân cuộc sống mới).

- Khởi nghĩa Phùng Hưng đã củng cố quyết tâm giành độc lập cho dân tộc.

LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG

Luyện tập

1. Những đóng góp chung của các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời Bắc thuộc:

- Dù các cuộc khởi nghĩa đa số đều bị đàn áp nhưng đã khơi dậy truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

- Thể hiện thái độ phản kháng của nhân dân ta trước những chính sách tàn bạo của quân xâm lược.

- Thể hiện ý chí quật cường, mong muốn dân tộc được hòa bình, tự do của nhân dân ta.

- Bước đầu xây dựng một chính quyền độc lập, tự chủ, mở dường cho nhà Đinh, nhà Lý sau này...

2. Quan sát sơ đồ 18.1:

- Kết quả của các cuộc khởi nghĩa từ Hai Bà Trưng đến Phùng Hưng: Hầu hết đều bị đàn áp, chỉ có khởi nghĩa Lý Bí và Mai Thúc Loan là thành lập được nhà nước riêng trong một thời gian.

- Từ thế kỉ I đến đến đầu thế kỉ X, các cuộc khởii nghĩa của nhân dân ta đã diễn ra liên tiếp, hầu như thế kỉ nào cũng nổ ra khởi nghĩa như: Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43), Khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248), khởi nghĩa Lý Bí (năm 542 - 603), khởi nghĩa Mai Thúc Loan (năm 713 - 722), khởi nghĩa Phùng Hưng (năm 776 - 791).

- Cuộc khởi nghĩa ấn tượng nhất là Lý Bí vì đã thành công, lập ra nước Vạn Xuân và giữ được độc lập trong 5 thập kỉ.

3. Hoàn thành bảng thống kê những sự kiện chính của khởi nghĩa Lí Bí và nước Vạn Xuân theo mẫu (SGK):

 Thời gian Sự kiện
 Mùa xuân năm 542 Lý Bí lãnh đạo nhân nhân khởi nghĩa, đánh đuổi Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên, làm chủ Giao Châu
 Mùa xuân năm 544 Khởi nghĩa thắng lợi, Lý Bí lên ngôi vua, nước Vạn Xuân ra đời
 Tháng 5/545 Triệu Quang Phục lãnh đạo nhân dân kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương
 Năm 550 Triệu Quang Phục xưng vương
 Năm 602 Nhà Tùy đem quân sang xâm lược, nước Vạn Xuân sụp đổ
Vận dụng

 4. Giả sử em đang học trong một ngôi trường mang tên một trong những vị anh hùng chống Bắc thuộc, hãy viết thư cho một người bạn để kể về câu chuyện của vị anh hùng đó.