Bài 17. Sông và Hồ

I. SÔNG VÀ LƯU LƯỢNG NƯỚC CỦA SÔNG

1. Các bộ phận của dòng sông

- Sông là dòng chảy thường xuyên của nước, tương đối ổn định trên bề mặt lục địa. Hầu hết các con sông đều đổ ra biển.

- Nguồn cung cấp nước cho sông chủ yếu từ nước mưa, nước ngầm, băng tuyết tan…

- Diện tích đất đai cung cấp nước thường xuyên cho sông gọi là lưu vực sông.

- Một hệ thống sông gồm các bộ phận: cửa sông, phụ lưu, chi lưu và sông chính.

+ Sông chính: dẫn nước.

+ Cửa sông: nơi tiếp giáp với biển.

+ Phụ lưu: những dòng chảy nhỏ cung cấp nước cho sông chính, thường tập trung ở thượng nguồn sông chính.

+ Chi lưu: dòng chảy tách ra từ dòng sông chính, thường phân bố ở hạ nguồn sông chính.

2. Lưu lượng nước sông

- Lưu lượng nước là lượng nước chảy qua mặt cắt ngang lòng sông, ở một địa điểm nào đó, trong một giây đồng hồ (m3/s).

- Sông có nguồn cấp nước từ nước mưa: vào mùa mưa, mực nước lòng sông dâng cao, sông chảy mạnh và ngược lại vào mùa khô.

- Sông có nguồn cấp nước từ băng tuyết: vào cuối xuân và đầu hè (vùng vĩ độ cao), nước sông dâng nhanh, chảy mạnh do băng tuyết tan.

- Lượng nước sông tăng nhanh có thể gây hiện tượng lũ, lụt khu vực ven bờ và hạ lưu.

- Sự thay đổi lưu lượng nước sông trong một năm gọi là chế độ nước sông.

II. HỒ

- Hồ là dạng địa hình trũng chứa nước, thường khép kín và không trực tiếp thông ra biển.

- Hồ có nguồn gốc hình thành và hình dạng khác nhau.

- Phần lớn hồ chứa nước ngọt, một số ít hồ chứa nước mặn.

III. SỬ DỤNG TỔNG HỢP NƯỚC SÔNG, HỒ

- Một số mục đích sử dụng nước sông, hồ:

+ Sinh hoạt;

+ Nông nghiệp, đánh bắt và nuôi thủy sản;

+ Thủy điện;

+ Giao thông vận tải đường sông, hồ;

+ Du lịch, thể thao, giải trí,…

- Tầm quan trọng của việc sử dụng nước sông, hồ theo hướng tổng hợp:

+ Giúp nâng cao hiệu quả kinh tế;

+ Tránh lãnh phí;

+ Góp phần bảo vệ tài nguyên nước.