Bài 17. Đấu tranh bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thời kì Bắc thuộc
Suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, các chính quyền phong kiến phương Bắc đã thi hành chính sách đồng hóa nhằm thủ tiêu quốc gia, dân tộc Việt. Người Việt đã làm gì để chống đồng hóa, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa hình thành từ thời dựng nước?
I. ĐẤU TRANH BẢO TỒN VĂN HÓA DÂN TỘC
- Chính quyền đô hộ đã thi hành chính sách đồng hóa dân tộc ta bằng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm ép buộc người Việt Nam theo lễ nghi, phong tục Hán. Tuy nhiên, người Việt luôn có ý thức dòng giống Tiên Rồng và nền văn hóa của cha ông để lại.
+ Người Việt vẫn nghe – nói, truyền lại cho con cháu tiếng mẹ đẻ.
+ Những tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thần tự nhiên… tiếp tục được duy trì.
- Ẩn mình sau những lũy tre, làng Việt là thành trì kiên cố bảo tồn phong tục, tập quán Việt như tục nhuộm răng, ăn trầu, búi tóc, xăm mình, làm bánh chưng, bánh giầy.
- Phong tục ăn trầu theo ghi chép của Lê Quý Đôn năm 304 thuộc thế kỉ thứ IV trong lịch sử Việt Nam. Hiện nay tục ăn trầu vẫn còn nhưng không phổ biến, trầu cau vẫn được gìn giữ như một nét văn hóa trong lễ cưới hỏi.
II. PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC
- Thời Bắc thuộc, người Việt vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa chủ động tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo những giá trị văn hóa bên ngoài để phát triển nền văn hóa dân tộc.
- Phật giáo, Đạo giáo du nhập vào nước ta thời kì này, hòa quyện cùng với tín ngưỡng dân gian.
- Người Việt chủ động tiếp thu chữ Hán nhưng vẫn sử dụng tiếng Việt, dùng âm Việt để đọc chữ Hán, tạo cơ sở hình thành vốn từ Hán – Việt ngày càng phong phú và đặc sắc.
- Người Việt đã tiếp thu một số kĩ thuật tiến bộ của Trung Quốc như làm giấy, dệt lụa, kĩ thuật bón phân bắc trong trồng trọt… Một số sản phẩm thủ công thời kì này thể hiện khá rõ dấu ấn của sự giao lưu với văn hóa Trung Quốc.
LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG
Luyện tập
1. Tại sao khoảng thời gian từ năm 179 TCN đến năm 938 được gọi là thời Bắc thuộc?
Từ năm 179 TCN đến năm 938 được gọi là thời Bắc thuộc vì khoảng thời gian này, Việt Nam bị các triều đình Trung Quốc đô hộ (là thuộc địa của Trung Quốc).
2. Những phong tục tập quán nào của người Việt được bảo tồn suốt thời Bắc thuộc và vẫn có mặt trong đời sống văn hóa hằng ngày của chúng ta ngày nay?
Những phong tục tập quán của người Việt được bảo tồn suốt thời Bắc thuộc và vẫn có mặt trong đời sống văn hóa ngày nay gồm: Thờ cúng tổ tiên, tục ăn trầu, chôn người chết trong quan tài...
3. Quan sát hình 17.5 và 17.6 (SGK), cho biết yếu tố văn hóa nào du nhập từ bên ngoài đã được nhân dân ta tiếp thu có chọn lọc?
Ở hình 17.6, trên khay gốm Lạch Trường có tranh trí hoa văn Đông Sơn kết hợp với nghệ thuật tạo hình Trung Quốc thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc văn hóa Trung Quốc để phát triển văn hóa Việt của người dân trong thời kì Bắc thuộc.
Vận dụng
4. Tiếng nói có vai trò như thế nào trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc? Em có suy nghĩ gì về hiện tượng nhiều học sinh “pha” tiếng nước ngoài vào tiếng Việt khi giao tiếp?
- Tiếng nói, chữ viết tiếng Việt được cha ông ta sáng tạo, gìn giữ, cải tiến qua các triều đại lịch sử, qua những giai đoạn phát triển, tiếng Việt đã trở thành cốt lõi trong tâm hồn, lối sống, tư duy của con người Việt Nam.
- Bản thân em không phản đối việc sử dụng tiếng nước ngoài vào tiếng Việt khi giao tiếp. Tuy nhiên, em không đồng tình việc lạm dụng tiếng nước ngoài vì sẽ mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.