Bài 17: Đặc điểm dân cư Trung và Nam Mĩ, vấn đề đô thị hoá, văn hoá Mĩ Latinh
1. Đặc điểm nguồn gốc dân cư
- Dân cư Trung và Nam Mĩ gồm người bản địa, người nhập cư và người lai.
+ Người bản địa chủ yếu là người Anh-điêng thuộc chủng tộc Môn-gô-lô-ít di cư từ châu Á sang.
+ Từ cuối thế kỉ XVI, đa số người nhập cư là người châu Âu gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
+ Đến thế kỉ XVII, người nhập cư chủ yếu là người châu Phi.
+ Sự hòa huyết giữa người gốc Âu, người gốc Phi và người Anh-điêng bản địa đã hình thành người lai.
- Trung và Nam Mĩ có quy mô dân số lớn, gần 654 triệu người, năm 2020.
+ Tỉ suất tăng dân số tự nhiên thấp và đang có xu hướng giảm.
+ Dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng ven biển có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
+ Các vùng sâu trong nội địa, đặc biệt ở khu vực rừng A-ma-dôn, dân cư thưa thớt.
+ Năm 2020, mật độ dân số trung bình của khu vực là 33 người/ km2.
2. Đô thị hóa
- Tốc độ đô thị hóa cao, tỉ lệ dân thành thị chiếm trên 80% số dân (năm 2020).
- Đô thị hóa mang tính tự phát do quá trình cải cách ruộng đất không triệt để, khiến dân nghèo không có ruộng đất phải di cư đến các thành phố lớn tìm việc làm.
$\longrightarrow$ Gây ra nhiều sức ép về kinh tế – xã hội và môi trường cho các quốc gia trong khu vực.
- Một số đô thị trên 10 triệu dân: Mê-hi-cô Xi-ti, Xao Pao-lô, Ri-ô Gia-nê-rô,…
3. Văn hóa Mĩ Latinh
- Người dân Trung và Nam Mĩ sử dụng ngôn ngữ hệ Latinh. Tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng chủ yếu ở Bra-xin, tiếng Tây Ban Nha được sử dụng ở đa số các quốc gia còn lại.
- Sự kết hợp các nền văn hóa trên thế giới với nền văn hóa bản địa đã tạo nên nền văn hóa Mĩ Latinh đặc sắc, phong phú.
+ Lễ hội: Ca-na-van.
+ Vũ điệu: tăng-gô, xan-xa, rum-ba, cha-cha-cha,…