Bài 16. ADN và bản chất của gen

I. ADN TỰ NHÂN ĐÔI THEO NHỮNG NGUYÊN TẮC NÀO?

- ADN tự nhân đôi diễn ra trong nhân tế bào, tại các NST ở kì trung gian.

- ADN tự nhân đôi theo đúng mẫu ban đầu.

- Quá trình tự nhân đôi:

+ 2 mạch ADN tách nhau dần theo chiều dọc.

+ Các nuclêôtit trên 2 mạch ADN liên kết với nuclêôtit tự do trong môi trường nội bào.

+ 2 mạch mới của 2 ADN dần được hình thành dựa trên mạch khuôn của ADN mẹ và ngược chiều nhau.

+ Kết quả: cấu tạo 2 ADN con được hình thành giống nhau và giống ADN mẹ, trong đó, mỗi ADN con có 1 mạch của mẹ, 1 mạch mới tổng hợp từ nguyên liệu nội bào. $\Longrightarrow$ Đây là cơ sở phát triển của hiện tượng di truyền.

- Quá trình tự nhân đôi của ADN diễn ra theo nguyên tắc bổ sung và giữ lại một nửa (nguyên tắc bán bảo toàn).

* Phát biểu nguyên tắc:

- Nguyên tắc bổ sung (NTBS): Mạch mới của ADN con được tổng hợp dựa trên mạch khuôn của ADN mẹ. Các nuclêôtit ở mạch khuôn liên kết với các nuclêôtit tự do trong môi trường nội bào theo nguyên tắc: A liên kết với T hay ngược lại, G liên kết với X hay ngược lại.

- Nguyên tắc giữ lại một nửa (bán bảo toàn): Trong mỗi ADN con có một mạch của ADN mẹ (mạch cũ), mạch còn lại được tổng hợp mới.

II. BẢN CHẤT CỦA GEN

- Gen là 1 đoạn của phân tử ADN có chức năng di truyền xác định.

- Bản chất hóa học của gen là ADN.

- Chức năng: gen là cấu trúc mang thông tin quy định cấu trúc của 1 loại prôtêin.

III. CHỨC NĂNG CỦA ADN

 - ADN là nơi lưu trữ thông tin di truyền (thông tin về cấu trúc prôtêin).

- ADN thực hiện sự truyền đạt thông tin di truyền qua thế hệ tế bào và cơ thể.